|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VATO hỗ trợ tiền cho 'hiệp sĩ' tử nạn ở Sài Gòn, tài xế Grab cảm động

15:20 | 15/05/2018
Chia sẻ
Cộng đồng tài xế Grab ca ngợi việc ứng dụng gọi xe VATO hỗ trợ tiền cho các hiệp sĩ tử nạn và bị thương trong vụ bắt nhóm trộm xe máy ở Sài Gòn trong đêm 13/5.
vato ho tro tien cho hiep si tu nan o sai gon tai xe grab cam dong Tài xế Grab hy vọng và hoài nghi trước tin ứng dụng gọi xe miễn phí cho đối tác sắp vào Việt Nam

Khoảng 20h30 ngày 13/5, nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình tuần tra ở khu vực quận Tân Bình thì phát hiện 2 đối tượng đi trên xe máy hiệu Exciter có biểu hiện nghi vấn nên âm thầm theo dõi.

Đến một cửa hàng bán quần áo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3), hai đối tượng bẻ khóa chiếc SH màu trắng của anh L.H.P (SN 1986) nên nhóm "hiệp sĩ" đã tông xe vào để khống chế. Hai đối tượng bỏ chạy, nhóm "hiệp sĩ" đuổi theo nên chúng đã dùng hung khí chống trả quyết liệt.

Những cú đâm, chém của chúng khiến hai "hiệp sĩ" là anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) tử vong. Riêng 3 "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng (SN 1971, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (SN 1996, ngụ quận Tân Phú) và Đinh Phú Quý (SN 1996, ngụ huyện Củ Chi) bị thương.

Ngày 14/5, ứng dụng gọi xe thông minh VATO thuộc hãng xe Phương Trang gửi lời chia buồn tới những "hiệp sĩ" gặp nạn, đồng thời công bố mức hỗ trợ tiền cho các nạn nhân.

Theo thông báo, VATO tặng thân nhân mỗi hiệp sĩ tử nạn 25 triệu đồng, mỗi hiệp sĩ bị thương 7 triệu đồng. Tổng số tiền VATO tặng các nạn nhân là 71 triệu đồng.

vato ho tro tien cho hiep si tu nan o sai gon tai xe grab cam dong
Thông báo hỗ trợ tiền cho các "hiệp sĩ" tử vong và bị thương do bắt nhóm trộm xe ở Sài Gòn mà VATO công bố trên mạng xã hội Facebook.

Ngay sau khi thông báo của VATO xuất hiện, nó trở thành đề tài thảo luận sôi nổi trong các diễn đàn của tài xế. Đa số họ ca ngợi hành động của VATO.

"Hoan nghênh nghĩa cử cao đẹp của VATO và xin gửi lời chia buồn tới gia đình các hiệp sĩ đã hy sinh vì cộng đồng", Đỗ Duy Khánh, một tài xế Grab, viết trên Facebook.

Nhiều người kêu gọi công chúng chia sẻ thông báo của VATO trên Facebook và tải ứng dụng này về điện thoại.

"Ủng hộ VATO chính là cổ súy cho những nghĩa cử nhân văn", một tài khoản Facebook mang tên Ngô Bích Diệp lập luận.

Chỉ trích Grab

Trước nghĩa cử của VATO, nhiều người chỉ trích Grab vì hãng im lặng, trong khi một trong hai "hiệp sĩ" tử nạn là đối tác của Grab.

Vũ Bảo An, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh, nhận định Grab là doanh nghiệp nước ngoài nên không tình cảm như doanh nghiệp Việt Nam.

vato ho tro tien cho hiep si tu nan o sai gon tai xe grab cam dong
Một trong ba "hiệp sĩ" bị thương trong vụ bắt nhóm trộm xe máy vào đêm 13/5 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.V.S

Hán Văn Mừng, một nhân viên kinh doanh ở Hà Nội, nói rằng hành động của VATO không phù hợp với văn hóa của Grab.

"Nếu hành khách gặp nạn vì sử dụng dịch vụ của Grab, chắc họ sẽ gửi lời chia buồn và hỗ trợ vật chất vì họ rất coi trọng khách hàng. Nhưng nếu đối tác tử nạn, tôi đoán họ sẽ chẳng quan tâm", Mừng phát biểu.

Một số người nói hành động của VATO chỉ là một cách khéo léo để PR hình ảnh doanh nghiệp.

"VATO mới tham gia thị trường và cần công chúng biết đến nên họ tranh thủ cơ hội này, chứ Grab đang đuổi bớt tài xế nên họ chẳng làm vậy", Đinh Lâm Tuyến, một tài xế Grab ở Hà Nội, lập luận.

Đoàn Quốc Luật, nhân viên truyền thông của một công ty bất động sản ở TP Hồ Chí Minh, nhận định Grab cũng muốn thể hiện trách nhiệm xã hội và PR hình ảnh nhân vụ "hiệp sĩ" bắt trộm đêm 13/5, nhưng vì vụ việc không liên quan tới nghiệp vụ chở khách nên hãng không có lý do để lên tiếng.

"Giả sử hiệp sĩ tử nạn mặc áo Grab hay đang chở khách gọi xe qua app, chắc chắn Grab sẽ lên tiếng. Đây là dịp tốt để thể hiện trách nhiệm xã hội và PR hình ảnh, đương nhiên Grab sẽ không bỏ qua", Luật khẳng định.

Kim Cương