|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Thông tin khu công nghiệp An Nghiệp bùng phát dịch COVID-19 hoàn toàn sai sự thật

16:13 | 09/11/2021
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết thông tin khu công nghiệp An Nghiệp bùng phát dịch COVID-19 là hoàn toàn sai sự thật. Tính đến thời điểm hiện tại, khu công nghiệp An Nghiệp vẫn đang kiểm soát dịch tốt và không phát sinh ca F0 nào

Mới đây, trang Undercurrent news đưa tin khu công nghiệp An Nghiệp bùng phát nhiều ca mắc COVID-19.

Theo đó bài báo dẫn lời một thương nhân cho biết huyện Trần Đề (Sóc Trăng) ghi nhận 1.619 ca F0 tương đương khoảng 1/4 số ca trên toàn tỉnh. Trong đó, khu công nghiệp An Nghiệp, nơi có nhiều nhà máy chế biến tôm lớn, phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết thông tin khu công nghiệp An Nghiệp bùng phát dịch COVID-19 là hoàn toàn sai sự thật. 

“Khu công nghiệp An Nghiệp nằm ở huyện Châu Thành chứ không phải ở huyện Trần Đề như bài báo viết. Tính đến thời điểm hiện tại, khu công nghiệp An Nghiệp vẫn đang an toàn và kiểm soát dịch tốt”, ông Nam cho biết. 

Ông Nam cho rằng thông tin sai lệch này ảnh hưởng lớn đến uy tín và đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu. 

“Hiện chúng tôi đang làm việc với Undercurrent news để đính chính lại thông tin”, ông Nam cho hay. 

Trước đó, ngày 28/10, Ủy ban Tôm VASEP đã họp bàn các nội dung liên quan việc phục hồi hoạt động các doanh nghiệp chế biến nói riêng, ngành tôm nói chung và cái nhìn cho tương lai gần về nguyên liệu, thị trường… Ý kiến số đông khá trọng tâm là giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất.

Ông Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Thực Phẩm Sao ta cho biết mỗi sáng sớm, lao động phải đợi kết quả test nhanh theo sắp xếp mới vào làm việc. Việc này đã diễn ra nhiều tháng, nhưng bây giờ dòng người dài hơn mấy lần do tần suất kiểm tra dày đặc hơn.

Sao Ta hiện cũng có nhà máy chế biến tôm nằm trong khu công công nghiệp An Nghiệp. 

Ông Lực cho biết các doanh nghiệp đang khá căng thẳng bởi nghe tin ấp, xã nào có người nhiễm bệnh là phải rà soát lại người lao động của mình có ai liên quan hoặc chỗ ở gần gũi… để sàng lọc ra xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ. 

Việc này xảy ra hàng ngày khi các ổ dịch trong địa phương đang diễn tiến phức tạp và ổ dịch ngày càng nhiều. Có ngày, doanh nghiệp phải làm thao tác này nhiều lượt. 

"Trước đây 7 ngày kiểm 20%, tăng lên 3 ngày kiểm 20%, nay 3 ngày phải xong một lượt kiểm cho toàn bộ lao động đang có. Thậm chí kiểm kháng nguyên chưa đủ độ tin, phải thêm kiểm PCR cho an toàn. Càng tăng tầng suất, chi phí cứ đội lên", ông Lực cho biết.

Đây không phải lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam bị báo chí nước ngoài đưa tin sai sự thật. 

Theo đó, năm 2017, một kênh truyền hình của Tây Ban Nha phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mekong.

Sau đó, 1 siêu thị lớn của EU đã thông báo ngừng bán cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi VASEP cùng các cơ quan chức năng giải quyết, cá tra Việt Nam đã được minh oan.

H.Mĩ