|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vận tải khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) muốn huy động gần 276 tỷ đồng để mua thêm tàu chở dầu/hóa chất

07:10 | 02/03/2023
Chia sẻ
Công ty Vận tải khí và hóa chất Việt Nam dự kiến phát hành hơn 275,9 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp nhằm đầu tư thêm tàu chở dầu/hóa chất.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Vận tải khí và Hóa chất Việt Nam (Mã: PCT) vừa thông qua việc triển khai chào bán hơn 275,9 triệu cổ phiếu ra công chúng, tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới).

Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, cao hơn 82% so với thị giá PCT chốt phiên 1/3 là 5.500 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý I - quý II/2023.

Diễn biến cổ phiếu PCT trong thời gian qua. (Nguồn: TradingView).

Nếu việc huy động thành công, số tiền hơn 275,9 tỷ đồng sẽ được dùng để mua 1 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 19.000 - 25.000 DWT, thời gian giải ngân cũng trong quý I - quý II/2023.

Nếu chào bán không thành công, công ty sẽ xin gia hạn đợt phát hành này để chào bán nốt số cổ phiếu còn lại. Đồng thời tiến hành bổ sung nguồn vốn còn thiếu thông qua hình thức như vay vốn, phát hành trái phiếu.

Về tình hình kinh doanh, quý IV/2022, doanh thu thuần của PCT giảm 35% so với cùng kỳ còn 133 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu, nên kết quả công ty lãi sau thuế 4,5 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2021.

Cả năm, doanh thu thuần của PCT đạt 305 tỷ, lợi nhuận sau thuế 14 tỷ, lần lượt giảm 34% và tăng nhẹ 1% so với năm 2021.

Tổng tài sản của PCT tính đến cuối quý IV/2022 gần 552 tỷ đồng, trong đó 340 tỷ đồng là tài sản cố định, trong khi đầu năm chỉ 5 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong năm công ty đã thực hiện đầu tư thêm tàu.

Nợ phải trả tại cuối tháng 12/2022 tăng gần 24 lần so với đầu năm lên 238 tỷ đồng do công ty đẩy mạnh đi vay nợ.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VNDirect nhận định, đối với các doanh nghiệp dầu khí trung nguồn, nhóm vận tải dầu khí sẽ hưởng lợi theo đà tăng giá cước khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đang định hình lại dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Trong đó nhu cầu đối với tàu chở dầu thô đi lên khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Có thể một nguồn nhiên liệu sẽ thay thế cho khí trong sản xuất điện, nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu.

Hơn nữa, việc chuyển hướng dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến quãng đường dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu chở dầu toàn cầu.

Đối với thị trường nội địa, nhu cầu vận tải dầu khí dự báo sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc Lọc Hóa dầu Bình Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước COVID-19 kể từ năm 2022, là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải dầu khí. Do đó, thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí của Việt Nam với sự đóng góp ổn định vào kết quả kinh doanh của các công ty (nhờ cơ chế giá cước thuê tàu hiện tại đảm bảo một mức biên lợi nhuận gộp ổn định cho doanh nghiệp vận tải).

Minh Hằng