|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vận tải hàng hóa theo tuyến đường sắt Á-Âu tăng trưởng mạnh

19:41 | 29/01/2024
Chia sẻ
Trong vài năm gần đây những biến động trên thế giới đã tác động không nhỏ đến tình hình vận tải hàng hóa ở lục địa Á-Âu qua tuyến đường sắt bắt đầu từ Trung Quốc đi qua lãnh thổ Ba Lan, Belarus, Nga và Kazakhstan để sang châu Âu.
 
Khi xảy ra xung đột tại Ukraine, hoạt động trên tuyến đường này có giảm sút một thời gian do các lệnh trừng phạt áp lên Nga và Belarus. Tuy nhiên, hầu hết các nước sử dụng tuyến đường này đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Trong năm 2023, tuyến đường sắt Á-Âu đã vận hành 17.000 chuyến tàu và vận chuyển 1,9 triệu container tiêu chuẩn 20 feet, đánh dấu mức tăng lần lượt 6% và 18% so với cùng kỳ năm trước.

Hai cửa khẩu hải quan tại biên giới Trung Quốc và Kazakhstan là Khorgos và Alashankou đều báo cáo lượng hàng hóa thông quan gia tăng. Năm 2023, Khorgos đã thông quan cho 7.762 tàu hàng, tăng 10% so với năm 2022. Phía Alashankou thông báo tăng 6,8% và đạt 6.635 chuyến. Riêng trong tháng 1/2024, hai cửa khẩu này đã đón trên 70.000 tàu container đi từ Trung Quốc sang châu Âu.

Gia tăng vận tải đường sắt cũng được ghi nhận tại Belarus – nước cũng phải chịu án phạt nặng nề của Liên minh châu Âu (EU) và thường gặp khó khăn tại biên giới với các nước “không thân thiện” gồm Ba Lan, Lithuania  và Latvia. Năm 2023, Belarus thông báo đã vận chuyển hơn 1 triệu container tiêu chuẩn, trong đó 1.500 tàu container sang Nga và Trung Quốc, tăng 50% so với một năm trước đó.

Đáng lưu ý là tình hình trên được ghi nhận trong giai đoạn các công ty vận tải nỗ lực tìm kiếm tuyến đường vòng tránh nước Nga để không chịu án phạt. Ví dụ như tuyến “hành lang giữa” hay còn gọi là tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi - đi qua Trung Quốc, Kazakhstan, biển Caspian, Azerbaijan, Georgia đến Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu – đã chuyên chở 2.750.000 tấn hàng hóa trong năm 2023, tăng 64% so với năm 2022. Thêm vào đó, năm ngoái đánh dầu lần đầu tiên “hành lang giữa” vận chuyển dầu mỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tối ưu hóa hoạt động của tuyến đường này. Công nghệ chưa thống nhất trên toàn tuyến, vấn đề thủ tục thông quan và pháp lý chưa cho phép khai thác tối đa tiềm năng của tuyến đường sắt Á-Âu, vốn là tuyến đường nhanh nhất, rẻ nhất trong vận tải hàng hóa từ châu Á sang châu Âu và ngược lại.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới đây hàng hóa vận chuyển qua tuyến này sẽ tăng mạnh do tình hình căng thẳng trên Biển Đông và tại Trung Đông.

Tâm Hằng (P/v TTXVN tại Moskva)