Vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn
Nhà ga Văn Quán (Hà Đông) trong tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã gắn biển - Ảnh: N.An
Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỉ USD.
4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác.
Tuy nhiên, dự án có nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống, để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2021; thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh dự án theo đúng quy định với dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông vành đai 3, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, thực hiện, hoàn thành các dự án đúng và vượt tiến độ đề ra
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì họp về kế hoạch thực hiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi.