|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hệ lụy dự án Cát Linh-Hà Đông: Tàu chưa chạy đã phải trả lãi 300 tỉ đồng/năm

21:36 | 01/10/2019
Chia sẻ
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình phối hợp và thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội sáng 1/10, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết với việc chậm đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thành phố đang phải “gánh” hệ lụy không nhỏ.

Cụ thể, Chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng, đây là dự án có vai trò quan trọng với giao thông Hà Nội do vậy không chỉ Chỉnh phủ, Bộ GTVT mà thành phố Hà Nội cũng rất mong mỏi dự án đi vào hoạt động từng ngày.

“Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp giảm ùn tắc, cùng với đó, vừa tránh lãng phí vốn đầu tư vừa tránh những khó khăn như hiện nay khi thành phố tuyển người, chuẩn bị mọi điều kiện nhưng tàu vẫn chưa chạy chính thức”, ông Chung nêu thực tế.

Đề cập cụ thể đến những ảnh hưởng của dự án khi chậm vận hành, ông Chung thông tin: tuy dự án chưa bàn giao cho Hà Nội tiếp quản vận hành nhưng từ năm 2018 đến nay mỗi năm thành phố Hà Nội đã phải trả khoảng 300 tỷ đồng lãi vay.

Cùng với đó, thành phố đã tuyển khoảng 1.000 nhân viên, cán bộ để vận hành, vậy nhưng 2 năm qua mặc dù tuyến chưa hoạt động nhưng thành phố đang phải trả lương đều hàng tháng cho số nhân viên, cán bộ này.

70.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc

Đối với các dự án do Hà Nội triển khai, ông Chung cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 thành phố Hà Nội thực hiện khoảng 40 dự án giao thông quan trọng, trong đó có một số dự án đã thi công xong đưa vào sử dụng, riêng dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang phấn đấu thông xe vào dịp 10/10 tới.

Hệ lụy dự án Cát Linh-Hà Đông: Tàu chưa chạy đã phải trả lãi 300 tỉ đồng/năm - Ảnh 1.

Ngoài 3 tuyến đang triển khai Hà Nội sẽ triển khai thêm 5 tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới

Ngoài ra, ông Chung còn cho biết, hiện đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long Bộ GTVT còn đang triển khai dự án đường trên cao, dự án được bố trí nguồn vốn ODA (Nhật Bản) 5.000 tỷ đồng nhưng qua đấu thầu chỉ hết 3.000 tỷ đồng , số tiền 2000 tỷ đồng dôi ra, ông đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT bố trí cho thi công hầm vượt tại nút giao với đường Hoàng Quốc Việt nhằm hoàn thiện hạ tầng tại đây.

Với các dự án đường sắt đô thị, ông Chung cho biết, theo quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tưởng phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt. Hiện nay thành phố và Bộ GTVT đang triển khai 3 dự án với 3 đoạn tuyến là Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội và Nam Thăng Long – Hồ Hoàn Kiếm – Trần Hưng Đạo.

Hiện 5 tuyến còn lại thành phố đang lên phương án triển khai, với tuyến Văn Cao – Hòa Lạc dài 37,5 km hiện thành phố đã thuê tư vấn thiết kế. Riêng phần vốn đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng, thành phố Hà Nội có thể chủ động bố trí được theo hình thức đầu tư bằng ngân sách từ nguồn tiền cổ phần hóa và đầu tư công trên địa bàn thành phố. 

Nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua cho triển khai thì cuối năm 2020 dự án có thể thi công được.


Trọng Đảng