Vận đen của SoftBank: Lợi nhuận lao dốc, cổ phiếu nắm giữ sụt giảm, nhân sự chủ chốt ra đi hàng loạt
Trong thập kỷ qua SoftBank và vị thuyền trưởng Masayoshi Son đã gây được sự chú ý bằng cách đầu tư "vô tội vạ" vào các startup và định hình lại những công ty này. SoftBank cũng là đơn vị có quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới. Hàng tỷ USD đã được bơm vào WeWork - gã khổng lồ làm việc việc chung. Và hiện tại, tin xấu đang dồn dập đến với tập đoàn Nhật Bản.
Tuần này, kế hoạch bán ARM - nhà thiết kế chip trị giá 40 tỷ USD của SoftBank cho NVIDIA đã đổ bể vì những rào cản quy định. Cổ phiếu một số công ty công nghệ mà SoftBank nắm cổ phần, từ gã khổng lồ Alibaba tới DoorDash - một dịch vụ giao đồ ăn, đã sụt giảm trong những tháng gần đây trong bối cảnh các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
Một trong những cánh tay phải của tỷ phú Son, ông Marcelo Claure đã rời công ty vào đầu năm nay sau một cuộc tranh chấp gay gắt về lương thưởng. Đây cũng là vị CEO điều hành cao cấp mới nhất rời công ty trong thời gian qua.
Vận đen dường như đeo đuổi tập đoàn Nhật Bản khi trong báo cáo tài chính mới nhất của họ, công ty cho biết doanh thu hàng quý đã giảm 97% so với cùng kỳ. Quý IV/2021, công ty đạt lợi nhuận 251 triệu USD.
Cổ phiếu của SoftBank tại Tokyo vẫn tương đối ổn định trong tuần này, mặc dù chúng đã giảm hơn một nửa trong vòng 12 tháng qua khi các nhà đầu tư ngày càng nhạy cảm hơn sau các vụ đặt cược lớn của SoftBank mà vẫn chưa mang lại quả ngọt.
Ông Son thừa nhận những khó khăn của công ty, đặc biệt là việc nắm giữ cổ phiếu công nghệ vẫn chưa qua đi. "Cơn bão chưa chấm dứt, nó còn mạnh lên", ông nói. Tuy nhiên, vị tỷ phú vẫn tỏ ra lạc quan về truển vọng của công ty khi cho rằng với khoản đầu tư mới nhất, SoftBank sẽ trở thành trung tâm của cuộc cách mạng AI.
Ông Pierre Ferragu, một nhà phân tích tại New Street Research, nhận xét rằng kết quả hoạt động của SoftBank phản ánh sự chuyển đổi của công ty trong những năm gần đây, từ một tập đoàn với nhiều công ty con, chủ yếu là viễn thông, đã trở thành nhà đầu tư, rót tiền vào các sản phẩm công nghệ đột phá.
Được thành lập vào năm 1981, SoftBank là một trong những ngân hàng hỗ trợ lớn nhất cho các startup của Mỹ và trên toàn cầu. Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng dot-com những năm 90, công ty đã rút khỏi Mỹ cho đến tận những năm 2010.
Năm 2017, ông Son đã huy động được 100 tỷ USD cho quỹ Vision Fund - được coi là quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất từ trước đến nay. Gần một nửa số tiền đến từ Saudi Arabia, đây là quỹ đầu tư lớn vào các công ty công nghệ có tiềm năng tăng trưởng cao như Uber, DoorDash và WeWork.
Tuy vậy, nhiều khoản đầu tư trong số đó đang gặp khó khăn trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu nền tảng thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang đã giảm gần 40% hay Didi - công ty gọi xe của Trung Quốc, đã giảm khoảng 70%. SoftBank đều sở hữu cổ phần trong cả hai công ty này.
Trong khi đó, Alibaba - tập đoàn SoftBank nắm giữ số cổ phần lớn nhất, đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm 60% so với mức cao nhất hồi tháng 10/2020. Công ty cũng đầu tư hơn 10 tỷ USD vào WeWork - nền tảng làm việc chung đã IPO vào năm ngoái và hiện đang có vốn hoá chưa đến 6 tỷ USD.
Trong nội bộ, SoftBank cũng đang chứng kiến sự bất ổn. Những tháng gần đây, ít nhất 4 nhân sự cấp cao đã rời đi hoặc thông báo kế hoạch rời đi. Tháng trước, SoftBank cũng đã mất ông Claure, một trong những giám đốc điều hành cấp cao nhất của mình.
Ông Claure không hài lòng về mức lương hiện tại. Ông cho biết tỷ phú Son từng hứa sẽ thưởng cho ông 2 tỷ USD vì những nỗ lực trước đó, song ông Son có vẻ như không muốn giải ngân số tiền này.
"Nhân viên không bao giờ rời bỏ công việc hoặc công ty của họ. Họ chỉ rời bỏ sếp của họ mà thôi. Hãy đối xử tử tế với những người làm việc cho bạn", cựu CEO viết trên Twitter.