|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vấn đề lạm phát: Ngân hàng trung ương có đang 'cô độc'?

00:59 | 05/01/2022
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương trên thế giới nhìn chung có nhiệm vụ thực hiện hai mục tiêu chính là ổn định giá cả và tạo tăng trưởng việc làm bền vững.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới nhìn chung có nhiệm vụ thực hiện hai mục tiêu chính là ổn định giá cả và tạo tăng trưởng việc làm bền vững. Với việc lạm phát đang tăng cao trên phạm vi toàn cầu, họ buộc phải đưa ra những quyết sách nhằm hạ nhiệt tốc độ gia tăng của giá.

Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng trung ương có thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình với các công cụ truyền thống là tăng lãi suất và cắt giảm các chương trình nới lỏng định lượng hay không?

Các công cụ thường thấy

Cơ quan Thống kê châu Âu ngày 30/11 công bố số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng 11 của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng 4,9%, mức cao kỷ lục kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu trong hơn 20 năm qua.

Ngày 10/12, Bộ Lao động Mỹ cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11/2021 cũng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đưa ra ngày 15/12, CPI của nước này trong tháng 11 đã tăng 5,1%, cao gấp hơn 2,5 lần so với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).

Trước áp lực quá lớn này, dù có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng lạm phát hiện nay chỉ là tạm thời và sự xuất hiện của biến thể Omicron đang phủ bóng mây lên triển vọng phục hồi toàn cầu vốn đang diễn ra không đồng đều, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã buộc phải thực hiện các động thái và bước đi cụ thể trong chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Ngày 15/12, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho biết sẽ cắt giảm việc mua vào trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với kế hoạch đề ra hồi tháng 11. FOMC cũng cho biết sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất với việc dự kiến sẽ có ba lần tăng trong năm 2022.

Vấn đề lạm phát: Ngân hàng trung ương có đang 'cô độc'? - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Xinhua).

Kết thúc cuộc họp ngày 16/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (2.100 tỷ USD) vào tháng 3/2022, song sẽ tăng cường chương trình mua trái phiếu được thực hiện trước đó để giảm tác động và thúc đẩy nền kinh tế Eurozone. 

Tuy vậy, ECB cho biết sẽ không tăng lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức âm 0,5%, cho đến khi kết thúc việc mua trái phiếu ròng.

Tại châu Á, sau hai ngày nhóm họp, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/12 đã quyết định dừng mua vào thương phiếu và trái phiếu công ty theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 3/2022. Bên cạnh đó, BoJ sẽ dừng hỗ trợ các doanh nghiệp lớn vào cuối tháng 3 và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tháng 9/2022.

Đặc biệt, ngày 16/12, BoE đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới quyết định tăng lãi suất. Với tỷ lệ phiếu 8-1, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE (MPC) gồm 9 thành viên đã nhất trí tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%. 

Đồng thời, MPC nhất trí giữ nguyên quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ ở mức 875 tỷ bảng (1.160 tỷ USD). Theo MPC, có những rủi ro đối với triển vọng lạm phát trong trung hạn và việc thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát bền vững 2%.

Những "nút thắt" nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương

Tăng lãi suất, cắt giảm chương trình mua vào các tài sản vốn được xem là những công cụ hữu hiệu nhất để các ngân hàng trung ương kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mức độ hiệu quả của bộ công cụ này đang là một dấu hỏi, bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cả gia tăng.

Trong những năm 2010, mặc dù các ngân hàng trung ương bơm ra thị trường một lượng lớn tiền thông qua các chương trình nới lỏng định lượng, nhưng khi đó các chính phủ lại đang thực hiện chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng và kết quả là lạm phát nhìn chung  ở mức rất thấp, thấp hơn cả mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Lạm phát tại Mỹ trong các năm từ 2013-2016 lần lượt là 1,5%; 1,6%; 0,1% và 1,3%.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều chương trình nới lỏng định lượng được đưa ra. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn so với trước đây là việc chính phủ các nước cũng tung ra hàng loạt các gói kích thích tài khóa. 

Theo thống kê của tạp chí The Economist (Anh), chính phủ các nước trên thế giới đã thực hiện các gói kích thích tài khóa với tổng trị giá lên đến 10.800 tỷ USD, tương đương khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đây có thể là một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy lạm phát.

Trong đại dịch, các chính phủ đã phát hành trái phiếu để huy động tiền từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, các ngân hàng trung ương thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng, "tung tiền" ra để mua lại trái phiếu mà chính phủ đã phát hành. Fed, BoE, ECB và BoJ đã cùng nhau mua khoảng 9.000 tỷ USD tài sản.

Các gói kích thích tài khóa đã làm cho hồ sơ tài chính của các công ty và hộ gia đình mạnh lên. Lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại trong thời gian vừa qua đã tăng mạnh. Riêng tại Mỹ, tổng tiền gửi trong các ngân hàng thương mại đã tăng từ mức 13.500 tỷ USD đầu năm 2020, lên khoảng 18.000 tỷ USD. Bản quyết toán mạnh làm các công ty và hộ gia đình có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy lạm phát.

Bên cạnh đó, khi chính phủ vay mượn nhiều để thực hiện các gói kích thích tài khóa, nhưng lại không thể đưa ra được những chương trình cụ thể để đạt thặng dư ngân sách nhằm trả nợ, thì việc phá giá các đồng tiền có thể xảy ra nhằm giảm gánh nặng nợ. Hậu quả cuối cùng là làm gia tăng lạm phát.

Ngoài các gói kích thích tài khóa, lạm phát tăng cao còn là hậu quả của việc đại dịch đã tạo ra những nút thắt cổ chai trong cuỗi cung ứng với biểu hiện rõ nhất là việc các cảng biển của Mỹ bị tắc nghẽn và chi phí vận chuyển container tăng cao kỷ lục. 

Đến nay, dù có những dấu hiệu cho thấy tình hình đang dần được cải thiện, nhưng nếu các nút thắt chưa được giải quyết triệt để, nguồn cung vẫn gặp khó khăn, thì áp lực lạm phát sẽ vẫn còn.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron ngoài việc phủ bóng mây lên sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát. Việc tái áp dụng các biện pháp hạn chế làm cho người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc chi tiêu cho dịch vụ và do đó dòng tiền tiếp tục đổ vào hàng hóa trong bối cảnh chuỗi cung ứng vốn đã khó khăn, nay có thể còn khó khăn hơn.

Đình Thư