|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ván đấu '4 chân' của thị trường thương mại điện tử Việt

15:28 | 19/08/2020
Chia sẻ
Cuộc chơi làm "chợ mạng" tại Việt Nam đang tỏ rất khốc liệt trong thời gian gần đây, khi thị trường đang có phần phân mảnh và chưa xác định sàn chiến thắng cuối cùng.

Cuộc chơi nhất ăn tất

Sàn thương mại điện tử không còn là một khái niệm quá xa lạ với người Việt Nam trong thời gian vài năm trở lại đây. Từ lâu thương mại điện tử tại Việt Nam nói riêng hay tại Đông Nam Á nói chung vốn được coi là cuộc chơi "đốt tiền". Lí do đơn giản là những cái tên còn sống sót trên thị trường hiện tại đều chưa có lãi. Đa số họ đang chịu lỗ lũy kế.

Vì sao phải "đốt tiền"? Về lí thuyết, các sàn thương mại điện tử nói chung có nhiều cách để tạo ra doanh thu: Bán tài khoản "prime", thu phí bên bán hàng, bán quảng cáo hoặc kết hợp một trong những cách đó.

Với những cách thức tạo doanh thu như vậy, về lí thuyết rất khó để một sàn thương mại điện tử "lỗ", hoặc chỉ có thể lỗ chi phí vận hành. Thế nhưng thực tế chứng minh số tiền thua lỗ của các sàn thương mại điện tử lớn có thể lên đến hàng chục tỉ đồng.

Sàn thương mại điện tử giống như một "chợ" trên nền tảng mạng. Khi có nhu cầu phát sinh, khách hàng sẽ "đi chợ" để mua sắm.

Ván poker '4 chân' của thị trường thương mại điện tử Việt - Ảnh 1.

Thương mại điện tử gần như là một cuộc chơi poker: Nhất ăn tất. Ảnh: The Statesman

Với chợ truyền thống, nếu quanh vùng chỉ có 1-2 chợ, những người kinh doanh "chợ", bằng cách này hay cách khác, sẽ tạo ra doanh thu và xác suất tạo ra lợi nhuận có thể sẽ cao hơn.

Song nếu số lượng chợ tăng, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn, nhu cầu người tiêu dùng chưa chắc đã tăng trưởng đột biến trong khi thị phần phải san sẻ. Lúc đó, các chương trình cạnh tranh về giá sẽ xuất hiện để lôi kéo khách hàng.

Câu chuyện tương tự đối với sàn thương mại điện tử. Trong vài năm qua, 4 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Tiki, Lazada, Sendo và Shopee vẫn luôn bỏ khá xa các đối thủ xếp sau. Cả 4 sàn đều liên tục có những chính sách khuyến mại để cạnh tranh, giành giật thị phần.

Nhiều tập đoàn trên thế giới rất thành công với mô hình thương mại điện tử, như Amazon hay Alibaba. Tuy nhiên, để đạt những thành công với mức vốn hóa hàng trăm tỉ USD, những "ông lớn" phải đánh bại hầu hết các đối thủ cạnh tranh, ít nhất là ở trong "địa bàn" của họ.

Do đó, thương mại điện tử, cũng như các ứng dụng kết nối khác, là một cuộc chơi "nhất ăn tất" na ná với trò chơi poker: Vấn đề là ai dám bỏ nhiều tiền nhất để theo tới cuối cuộc chơi.

Sự khốc liệt của thị trường thương mại điện tử Việt

Theo bản đồ thương mại điện tử Việt Nam tới ngày 21/7, lượng truy cập website hàng tháng tại Việt Nam của Shopee đang vượt trội hơn hẳn so với 3 đối thủ còn lại. Thậm chí, Shopee (52,5 triệu) chỉ kém một chút so với tổng lượt truy cập web trung bình của 3 sàn còn lại (54,2 triệu).

Trong vài năm qua, Shopee cũng dẫn đầu thị trường Việt Nam cả về lượng truy cập web lẫn số lượt tải ứng dụng di động. Báo cáo tài chính mới nhất của công ty mẹ SEA cũng cho thấy doanh thu quí II của Shopee tăng hơn 2 lần so với cùng kì trước đó, đạt 364,7 triệu USD.

Vài tháng trước, thậm chí có nhiều tin đồn cho thấy hai sàn thương mại điện tử "gốc Việt" là Tiki và Sendo sáp nhập. Đây là điều dễ hiểu ở thời điểm đó, khi cả hai đang dần có dấu hiệu tụt lại so với hai đối thủ ngoại là Lazada và Shopee.

Cuối cùng thương vụ đổ bể bởi khoảng cách giữa hai sàn thương mại điện tử này bị nới rộng hơn sau giai đoạn dịch COVID-19. 

Ván poker '4 chân' của thị trường thương mại điện tử Việt - Ảnh 2.

Bản đồ thương mại điện tử của iPrice cho thấy Shopee đang có đấu hiệu tách top trong thời gian gần đây. Ảnh: iPrice.

Ông Phan Minh Tâm, chủ tịch STI cho rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vô cùng khốc liệt. Chính ông cũng từng phải "bỏ của chạy lấy người" vào thời điểm năm 2015

"TMĐT Đông Nam Á vừa bé vừa vụn vặt vừa lộn xộn, bù lại thì phần thanh toán và logistic lại đang để ngỏ, có thể làm một công 2-3 việc. Mà có khi có một phần thanh toán và logistic, các doanh nghiệp trường vốn càng lợi thế hơn, công ty nội thiếu siêu đại gia chống lưng sẽ gặp khó hơn nữa", ông Tâm phân tích.

Chủ tịch STI đưa ra dẫn chứng về một số thị trường khác tại Đông Nam Á: Việt Nam và Indonesia đều có 2 sàn thương mại điện tử bản địa tham gia cuộc chơi, trong khi các nước còn lại chỉ có Shopee và Lazada cạnh tranh với nhau.

Bên cạnh đó, ông cũng để ngỏ khả năng Amazon có thể nhảy vào thị trường khu vực. Theo ông, đây là điều hoàn toàn có khả năng nếu như hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới giành "chiến thắng" tại Ấn Độ.

"COVID-19 càng làm cho nước chảy chỗ trũng trong ngành công nghệ và TMĐT mà thôi", ông Tâm kết luận.

Trên thực tế, 2019-2020 là giai đoạn "buồn" của các sàn thương mại điện tử thị thị trường Việt. Adayroi, Lotte.vn, Robins hay Leftlair đều lần lượt "rời cuộc chơi". Trước đó vào năm 2015, Deca.vn, khi ấy thuộc sở hữu CTCP Quảng cáo Trực tuyến 24h do ông Phan Minh Tâm làm chủ tịch, cũng ngừng hoạt động bất chấp công ty tuyên bố "dồi dào về tiền bạc".

Tiểu Phượng