Cách khai thác tối đa nền tảng thương mại điện tử B2B trong hoạt động xuất khẩu
Báo Chính phủ đưa tin, tính tới hết tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ 1,5% so với cùng kì năm trước, đạt mức 147,61 tỉ USD. Xuất khẩu cũng góp phần giúp thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm đạt mức 8,39 tỉ USD.
Hiện nay, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận thấy tầm quan trọng của việc tham gia các nền tảng thương mại điện tử B2B, theo VECOM (Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam).
Chia sẻ về kinh nghiệm tham gia nền tảng thương mại điện tử B2B để xuất khẩu, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc của OSB, , cho rằng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là "sản phẩm có khả năng, tiềm năng xuất khẩu và có giá thành cạnh tranh". OSB là đại lý uỷ quyền Alibaba.com tại Việt Nam.
Trên thực tế, trên các sàn thương mại điện tử, mức giá cả thường được công khai, minh bạch. Thậm chí nhiều nền tảng ưu tiên đẩy các nhà cung cấp uy tín, chất lượng ở bậc tìm kiếm cao hơn. Chính vì thế, việc có một sản phẩm tốt với mức giá ổn là một lợi thế cạnh tranh lớn đối với những người sẵn sàng đưa công ty "lên sàn TMĐT".
Ông Toản cũng đánh giá cao việc một công ty có nhân sự chuyên trách quản lí hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Đây đều nên là những nhân sự được đào tạo bài bản các kĩ năng để có thể thích nghi với môi trường kinh doanh trực tuyến.
Tiếp theo, các công ty nên xây dựng gian hàng và đăng nhiều sản phẩm. Ông Toản đưa ra một dẫn chứng thú vị về Alibaba.com: Số sản phẩm trung bình trên mỗi gian hàng của nhà cung cấp Việt Nam chỉ bằng 50% so với số gian hàng toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ số hỏi hàng trên số click của người mua hàng với các gian hàng Việt Nam lại luôn dẫn đầu.
Chính vì thế, ông Toản cho rằng dư địa đạt hiệu quả của các gian hàng Việt Nam vẫn còn rất lớn nếu tiếp tục tăng cường đăng bán thêm nhiều sản phẩm khác.
Hoạt động tích cực trên nền tảng thương mại điện tử cũng có thể giúp tăng cường thứ hạng gian hàng, qua đó giúp các doanh nghiệp tiếp cận tối đa nhu cầu mua hàng của khách.
"Chúng tôi vẫn luôn nói rằng hiện nay cạnh tranh trên môi trường trực tuyến rất khốc liệt do “dễ người dễ ta” nên việc hoạt động tích cực đóng góp vai trò quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp trong môi trường trực tuyến", ông Toản chia sẻ.
Cuối cùng, một trong những điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp nên chuẩn hóa và số hóa các điểm tiếp xúc với khách hàng. Nếu doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua sàn thương mại điện tử, họ nên tiếp tục dùng cách thức đó để gửi lời hỏi hàng và tiếp tục trao đổi thông qua nền tảng kết nối.
"Vì lẽ đó mà hiện nay có những doanh nghiệp đã đưa ra quy định cho nhân sự phải phản hồi các hỏi hàng của nhà nhập khẩu trong vòng 2 giờ hay cắt cử nhân sự trực gian hàng 24/24 trong một số thời điểm để đảm bảo giữ liên lạc với các nhà nhập khẩu quốc tế mọi lúc, mọi nơi để tối ưu hiệu quả hoạt động", Phó Tổng giám đốc OSB kết luận.