|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vẫn còn doanh nghiệp 'chi ngầm' để tạo lợi thế kinh doanh

11:04 | 17/05/2017
Chia sẻ
Doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng về chi phí và khó khăn về các thủ tục với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cũng nhiều doanh nghiệp vẫn chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh.

"Dù đã có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nguyễn Văn Thân chỉ ra vấn đề quan trọng đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hiện nay.

Ông chỉ rõ các loại chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, chấp hành pháp luật thuế, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy còn cao.

Vị đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Theo ông Thân, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến. Nhưng cũng chính doanh nghiệp cũng góp phần tạo ra tình trạng này. Có doanh nghiệp chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải “chi ngầm” để được việc.

Ông cho rằng các quy định cứ không rõ ràng doanh nghiệp vẫn gặp lại khó khăn hiện tại, môi trường kinh doanh bị bào mòn, bóp méo, sức cạnh tranh nền kinh tế quốc gia giảm, niềm tin đầu tư, kinh doanh suy giảm.

Đề xuất cải tiến thực trạng này, ông Thân cho rằng cần phải có sự thay đổi cả từ về hai phía. Phía doanh nghiệp cần phải xây dựng tập quán, tạo thói quen tuân thủ pháp luật, văn hóa kinh doanh làm giàu chân chính, chủ động nói không với tiêu cực, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

Về cơ quan Nhà nước, ông Thân cũng cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp tăng cường khen thưởng và kỷ luật với cán bộ công chức, viên chức để hạn chế, tiến tới loại bỏ tiêu cực. "Cần tăng cường khen thưởng, kỷ luật trách nhiệm của các cán bộ khi tiếp xúc với doanh nghiệp", ông Thân đưa ra kiến nghị.

Chia sẻ với quan điểm của ông Thân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền các cấp cần lưu ý để loại bỏ chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nam Anh