|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vạn biến trong kinh doanh và văn hóa doanh nhân

21:49 | 13/10/2018
Chia sẻ
Khi xưa Bác Hồ trước khi đi Pháp (5/1946) có nói với Cụ Huỳnh Thúc Kháng ở nhà rằng: “Tôi vì nhiệm vụ Quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Tôi nghĩ rằng câu “dĩ bất biến ứng vạn biến” rất hay và phù hợp để nói về giới doanh nhân, với triết lý: lấy cái bất biến để ứng phó với vạn sự thay đổi.

Đi từ buổi sơ khai của lịch sử loài người đến nay, chúng ta sẽ thấy cái “vạn biến” ngày càng gia tăng trong xã hội. Tôi cho rằng đó là sự gia tăng theo cấp số nhân các mối liên hệ mới, đan xen, tác động nhiều chiều. Công nghệ đang phát triển nhanh chóng làm thay đổi rõ rệt cách làm kinh doanh. Trước khi Uber ra đời, không ai có thể ngờ một doanh nghiệp không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào lại có thể làm khuynh đảo thị trường taxi truyền thống.

van bien trong kinh doanh va van hoa doanh nhan

Doanh nhân Nguyễn Hồng Phương

Và khi Facebook đến Việt Nam, phương thức marketing của nhiều doanh nghiệp lập tức thay đổi. Viễn cảnh không xa khi mà từng bộ phận trong cơ thể người có thể thông báo tình trạng của nó thì ngành y dược sẽ lột xác. Rồi ngành nông nghiệp tương lai có thể khác rất xa hiện nay khi máy nông nghiệp trên đồng có thể “nói chuyện” với nhau...Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra với đặc trưng là tốc độ đáng kinh ngạc tiếp tục đem đến hàng vạn sự thay đổi khó tưởng tượng.

Đó là bộ mặt của cái “vạn biến”, phản ánh sự phát triển liên tục của xã hội, với tốc độ ngày càng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, giới doanh nhân hiểu rằng giá trị chỉ tạo ra khi có sự thay đổi. Thay đổi ẩn chứa thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội. Doanh nhân, thông qua các doanh nghiệp, là những người tập hợp được nguồn lực trong xã hội để tạo ra giá trị cho mình và cộng đồng.

van bien trong kinh doanh va van hoa doanh nhan

Điều gì là giá trị “bất biến” của Doanh nhân để có thể “ứng vạn biến”?

Tôi cho rằng, đó là văn hóa doanh nhân, là cái hồn của họ. Khi sáng tạo ra doanh nghiệp, doanh nhân đồng thời cũng đưa cả văn hóa của mình vào để doanh nghiệp trở thành các thực thể cũng có những đặc trưng như chính họ. Văn hóa doanh nhân là khái niệm rộng và tôi thấy dường như mọi nỗ lực để cố gắng định nghĩa khái niệm này đều là chưa đầy đủ. Thay vì vậy, nên chăng hãy cảm nhận điều đó theo những chuẩn mực xã hội của mỗi thời kỳ chúng ta đang sống và làm việc.

Theo đó, những phẩm chất bất biến như sự tín nhiệm giúp doanh nghiệp xây dựng chữ tín trên thương trường, sự nhạy bén giúp doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, sự kiên nhẫn giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, sự quyết tâm giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại, sự thương cảm giúp doanh nghiệp chia sẻ với cộng đồng...Doanh nhân và doanh nghiệp có những điều đó trong văn hoá của mình thì tự tin “ứng vạn biến” trong mọi giai đoạn phát triển.

Tại doanh nghiệp của mình và tại những cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi tham gia, chúng tôi đề cao sự tôn trọng như là một yếu tố văn hoá cốt lõi. Doanh nhân phải biết tôn trọng những thành viên tham gia trong các mối quan hệ mà qua đó giúp họ tập hợp được nhiều nhất nguồn lực để tạo nên giá trị.

Doanh nhân tuy vất vả nhưng cũng được rất nhiều, nhận thức điều đó với tâm thế tôn trọng để thấy trách nhiệm của doanh nhân cũng nhiều như vậy. Một lần nữa, tại cộng đồng của mình, chúng tôi luôn tâm niệm: Được làm việc, phải tận tâm; Được quan tâm, phải chân thành; Được cống hiến, phải đam mê; Được tôn vinh, phải khiêm tốn; Được hưởng thụ, phải sẻ chia.

Xin Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2018.

Xem thêm

Nguyễn Hồng Phong - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - TGĐ Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông