Vai trò của trợ cấp giá nhiên liệu tại Đông Nam Á
Thị trường nhiên liệu xác nhận tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại | |
Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu |
Nhu cầu dầu thô tại Đông Nam Á
Dù Đông Nam Á từng là trung tâm xuất khẩu dầu thô, phần lớn các quốc gia sản xuất dầu thô trong khu vực đang dần trở thành các nước nhập khẩu dầu. Sản lượng dầu toàn khu vực được dự báo sẽ giảm 30% vào năm 2040 do nhiều nguyên nhân, trong đó có trự lượng dầu sụt giảm và thiếu các giếng dầu mới được phát hiện.
Trong khi sản lượng dầu sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á năm 2017 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu thô tại khu vực dự kiến sẽ tăng lên khoảng 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040 từ mức 4,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Khi nhu cầu tăng và sản lượng giảm, nhập khẩu dầu tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới.
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô tăng vọt tại Đông Nam Á phần lớn xuất phát từ lĩnh vực vận tải đang phát triển bùng nổ tại khu vực, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, tỷ lệ sở hữu ô tô dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Trong năm 2017, tổng số ô tô bán ra tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines tăng 5% lên gần 3,4 triệu chiếc. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu ô tô tại khu vực được dự báo tăng hơn 40% vào năm 2040. Tuy nhiên, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Đông Nam Á.
Nguồn: Báo cáo Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á năm 2017 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). |
Tầm quan trọng của trợ cấp giá nhiên liệu
Khi Đông Nam Á vẫn tụt hậu so với các quốc gia phát triển về vận tải công cộng, việc sở hữu ô tô cá nhân là nhu cầu của hầu hết người dân nơi đây.
Do đó, trợ cấp giá nhiên liệu đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Nếu không có trợ cấp, giá nhiên liệu tại các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ được thị trường quyết định, khi đó giá nhiên liệu dễ biến động mạnh và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trong bối cảnh giá dầu thô tăng trong thời gian gần đây, Thái Lan hồi tháng 5 cho biết sẽ sử dụng quỹ xăng dầu quốc gia để hỗ trợ người dân đối phó với giá nhiên liệu tăng cao. Theo Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan, nước này sẽ sử dụng quỹ để hấp thụ 50% mức tăng giá bán lẻ nhiên liệu.
Tại Việt Nam, quỹ bình ổn giá xăng dầu được dùng để hạn chế biến động giá nhiên liệu do biến động giá dầu trên thị trường quốc tế.
Trợ cấp giá nhiên liệu đã trở thành một chính sách quan trọng tại các quốc gia Đông Nam Á đến mức trở thành một vấn đề chính trị. Tại Malaysia, một trong những lý do Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) chiến thắng đợt bầu cử vừa qua là cam kết tái áp dụng trợ cấp giá nhiên liệu mà cựu Thủ tướng Najib Razak đã từ bỏ. Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ mới của Malaysia áp dụng giá trần cho xăng RON 95 và trợ cấp chênh lệch giá khi giá thị trường tăng vượt trần.
Một trạm xăng tại Bangkok, Thái Lan. Nguồn: Pornchai Kittiwongsakul/AFP Photo. |
Các vấn đề với trợ cấp
Các chuyên gia thường chỉ trích trợ cấp giá nhiên liệu như một cách khuyến khích người dân mua ô tô và tiêu thụ nhiên liệu một cách không cần thiết. Hơn nữa, số tiền dành cho trợ cấp giá nhiên liệu có thể được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trợ cấp giá nhiên liệu cũng bị cho là gánh nặng với ngân sách quốc gia.
Gần đây, chính phủ các nước bắt đầu nhận ra chính sách trợ cấp giá nhiên liệu có thể tạo gánh nặng tài chính cho quốc gia. Theo IEA, dữ liệu mới nhất cho thấy trợ cấp giá nhiên liệu hóa thạch tại Đông Nam Á gây thiệt hại 17 tỷ USD cho khu vực này. Do chi tiêu cho trợ cấp giá nhiên liệu quá lớn, các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Indonesia bắt đầu cải cách chính sách trợ cấp của mình.
Chính phủ Indonesia đã từ bỏ trợ cấp giá xăng vào năm 2015. Cải cách chính sách trợ cấp giúp nước này tiết kiệm khoảng 8 tỷ USD và dùng số tiền này để phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình xã hội. Tuy nhiên, khi giá dầu thô tiếp tục tăng, chính phủ Indonesia quyết định tái áp dụng trợ cấp giá nhiên liệu.
Trợ cấp giá nhiên liệu có thể khiến người dân hài lòng nhưng không có lợi cho môi trường. Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á cần nhìn nhận lại vai trò của trợ cấp giá nhiên liệu và tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng vốn mang lại lợi ích lâu dài hơn cho người dân.
Xem thêm |