Vai trò của 500 doanh nghiệp phân phối xăng dầu
Trả lời câu hỏi “việc thiếu xăng dầu cục bộ ở phía Nam chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp phân phối xăng dầu, vậy vai trò thực sự của 500 thương nhân này là gì?”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay, 34 doanh nghiệp đầu mối ở các tỉnh thành phố).
Ngoài ra, hệ thống kinh doanh xăng dầu còn có 332 doanh nghiệp phân phối, gần 17.000 cửa hàng bán lẻ phân bố khắp các vùng miền trên cả nước.
Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo Nghị định 83 và Nghị định số 95 về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý...
"Với quyền linh hoạt hơn về nguồn hàng so với đại lý bán lẻ xăng dầu, 34 thương nhân đầu mối có thể phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước", Bộ Công Thương cho biết.
Theo quy định, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước.
Về danh sách 332 thương nhân phân phối Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi và quản lý. Tuy nhiên các Nghị định không có quy định đăng tải danh sách các thương nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp danh sách cụ thể của các thương nhân phân phối theo quy định.
Tại họp báo, Bộ Công Thương cũng làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua là doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ thua lỗ; chi phí kinh doanh xăng dầu tăng; một số doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép; ảnh hưởng từ cơn bão Noru…