|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vạ lây từ Trung Quốc

15:58 | 12/08/2019
Chia sẻ
Việt Nam có thể mắc kẹt giữa những xung lực đối lập từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tháng 6.2019, Công ty Dệt sợi Zara tại Đồng Nai bất ngờ bị đối tác Trung Quốc và Hàn Quốc hủy hợp đồng đã ký với lý do Mỹ áp thuế cao lên sản phẩm, khiến hàng hóa dệt may của đối tác này khó vào thị trường Mỹ. 

Chưa hết, với những hợp đồng còn thực hiện thì giá trị cũng bị giảm xuống vì chênh lệch tỉ giá khiến doanh nghiệp bị lỗ rất nhiều vì giá bông mua vào ở mức cao. Từ 3 tháng nay, công suất hoạt động của nhà máy sợi Zara chỉ từ 40-50%, sản xuất cầm chừng với hy vọng những chính sách mới có thể thay đổi cục diện. 

“Tại Việt Nam chỉ có khoảng hơn 100 nhà máy sợi hoạt động nhưng hầu hết đang đối mặt với tình trạng khó khăn này”, ông Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Dệt sợi Zara, chia sẻ.

Nhìn nhận tình hình chung, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết vì thương chiến, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều thách thức, nhất là việc đưa sợi xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Những năm trước, xuất khẩu của ngành sợi là trên 3 tỉ USD/năm và thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỉ USD nhưng do các doanh nghiệp may mặc Trung Quốc bị áp thuế, không xuất khẩu được sang Mỹ nên họ đang mua nguyên liệu với giá rất thấp, giảm hơn 15% nên doanh nghiệp không thể bán. 

“Chưa kể chênh lệch thuế. VAT của Trung Quốc lên đến 17%, Việt Nam có 10%”, ông Giang cho biết.

Vạ lây từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tác động ngay lập tức đến một loạt khía cạnh kinh tế của Việt Nam. 

Đầu tiên là tỉ giá, khi nhân dân tệ mất giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam lại không mất giá tương ứng với USD thì tiền đồng sẽ tăng giá so với nhân dân tệ. 

Đây là nguyên nhân đẩy lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng và hạn chế lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Không chỉ có ngành dệt, những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục lan rộng sang các ngành khác. 

Xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc giảm tốc nghiêm trọng, đặc biệt ở các sản phẩm nông thủy sản. Cụ thể, theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất khẩu nông sản đã giảm 9,7%, thủy sản giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. 

“Đáng ngại là trừ Mỹ, xuất khẩu Việt Nam sụt giảm ở tất cả các thị trường chứ không riêng tại Trung Quốc”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, nhận xét.

Việt Nam chỉ đạt 7,1% tăng trưởng xuất khẩu tính đến giữa tháng 6.2019 so với cùng kỳ, mức khá thấp trong các năm trở lại đây, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự đoán, lần đầu tiên trong một thập niên, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 sẽ có thể thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa. 

Hàng Việt đang giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Với tình hình hiện tại, Tổng cục Hải quan dự đoán xuất khẩu năm 2019 chỉ tăng 8%, giảm so với con số 14% của năm 2018.

Ở thị trường duy nhất xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh là Mỹ, theo bà Thu Trang, thặng dư thương mại hằng năm của Việt Nam với Mỹ đã chạm mức 40 tỉ USD trong năm 2018, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận từ năm 1990. 

Các chuyên gia kinh tế đang thực sự quan ngại việc Việt Nam bị cảnh báo thặng dư thương mại với Mỹ.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu nội thất (mặt hàng bị áp thuế) từ Trung Quốc về Việt Nam tăng 35,1%, trong khi xuất khẩu nội thất từ Việt Nam sang Mỹ tăng 35%. Riêng nhập khẩu hàng điện tử từ Trung Quốc tăng 81%. 

“Sự tăng trưởng bất thường trong nhập khẩu chứng tỏ nguy cơ đội lốt xuất xứ Việt Nam là có thật. Các cơ quan ban ngành đang ráo riết trong việc ngăn ngừa tình trạng này”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng - Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định.

Vạ lây từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Một doanh nghiệp kinh doanh gỗ nguyên liệu tiết lộ, thời gian qua, những đơn đặt hàng ván ép của Trung Quốc với số lượng lớn, chấp nhận thanh toán tiền mặt ngay khi nhận hàng đến với ông khá nhiều. Tuy nhiên, khi hỏi mục đích mua những đơn hàng giá trị cao như thế, đơn vị thu mua thường từ chối trả lời. 

“Điều này chứng tỏ đường dây lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam, nhập ván ép từ Trung Quốc về để họ mua lại, rửa xuất xứ, đem đi xuất khẩu”, vị này nhận xét.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ, tình hình khiến nhiều chuyên gia kinh tế đang đề xuất tạm dừng cơ chế tạm nhập tái xuất để hạn chế gian lận thương mại.

Chúng ta đã ký kết một loạt FTA. Và việc Mỹ đánh thuế gần 500% đối với thép vừa qua là một bài học. Capital Economics ước tính nếu Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Việt Nam như ông từng làm với hàng hóa Trung Quốc, doanh thu từ xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 25%, tương đương hơn 1% GDP. 

Nếu điều này diễn ra, ước tính sẽ xóa sổ khoảng 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng mà Việt Nam đạt được nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại

Đào Nhị Nguyễn