|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may 'kêu' khan hiếm đơn hàng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

13:40 | 19/07/2019
Chia sẻ
Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kì năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra.

Nhiều doanh nghiệp chỉ lo được đơn hàng đến quí III

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm ước đạt gần 18 tỉ USD, tăng 8,6%. Trong đó hàng may mặc đạt 14 tỉ USD, tăng 8,7%. Mặt hàng vải đạt hơn 1 tỉ SSD, tăng mạnh tới 30%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,4 tỉ USD tăng 5,6. Trong đó, nhập khẩu bông đạt 1,5 tỉ USD giảm 2%. Tuy nhiên, một số các mặt hàng khác như xơ, sợi, phụ liệu đều ghi nhận mức tăng 1 - 5%.

Phát biểu tại buổi họp báo sơ kết ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2019, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may, cho biết hiện tại, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may không được khả quan so với năm 2018. Tình trạng khan hiếm hiếm đơn hàng khá phổ biến. 

ảnh_Viber_2019-07-19_13-28-43

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may. Ảnh: Đức Quỳnh

"Năm nay những tưởng sẽ là một năm gặp nhiều thuận lợi nhưng thực ra lại là một năm khó khăn khi nhiều doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng. 

Ngay cả những doanh nghiệp lớn như May 10 cũng gặp tình trạng tương tự. Có doanh nghiệp chỉ lo được đơn hàng đến quí III", ông Cẩm nói.

Đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kì năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra.

Theo đó, trong số các mặt hàng Mỹ áp thuế lên Trung Quốc có cả hàng dệt may và xơ sợi. 

Trong khi đó, tới 60% sợi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, vì vậy xuất khẩu mặt hàng này của Việt sang Trung Quốc gặp khó. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ, sợi chỉ đạt hơn 2 tỉ USD, tăng nhẹ 1%.

Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 40 tỉ USD khó khăn

Với những rào cản hiện tại, ông Cẩm cho rằng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 40 tỉ USD trong năm nay rất khó khăn và doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may cũng chỉ ra cơ hội từ những hiệp định thương thương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA đem lại. 

"Đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nếu tận dụng tốt sẽ tạo ra cú hích cho ngành dệt may Việt Nam. 

Hiện tại, EU đang chiếm 26% GDP toàn cầu và 20% thương mại thế giới. Các nước CPTPP cũng chiếm 15% thương mại và 13% GDP toàn cầu. Tổng dân số của hai thị trường này là khỏang 1 tỉ dân. Do đó, đây vẫn là vấn đề chiến lược với ngành dệt may", ông Cẩm nói.

Ngoài ra, với sự góp mặt của hai hiệp định này, Việt Nam cũng sẽ có lợi thế ở các thị trường trước đây chưa kí hiệp định thương mại tự do song phương như Peru, Canada. 

Đặc biệt tại Canada, mặc dù trước đây Việt Nam chưa kí kết hiệp định thương mại tự do nhưng đây là thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, với kim ngạch khoảng 700 - 800 triệu USD/năm.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ gây ra thách thức mà còn tạo ra cơ hội mới cho ngnành dệt may Việt Nam khi một số công ty Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để "tránh bão". 

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2019, có 63 dự án dệt may với số vốn đạt 700 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án FDI Trung Quôc với số vốn đăng kí đạt 205 triệu USD. 

Tuy nhiên, ông Cẩm cũng cảnh báo việc này có thể tiềm ẩn rủi ro việc Mỹ siết chặt quản lí, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. 

Hiện tại Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng gần 47%.

Đức Quỳnh