|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may sang Nhật: Tạo thương hiệu bằng chất lượng

16:33 | 15/07/2019
Chia sẻ
Nhật Bản vẫn đang rộng mở nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam và dệt may là mặt hàng có nhiều lợi thế.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường Nhật Bản tiếp tục là bạn hàng lớn của Việt Nam. Nhật Bản vẫn đang rộng mở nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam và dệt may là mặt hàng có nhiều lợi thế, cả về chất lượng, giá cả cũng như quan hệ đối tác lâu năm giữa các nhà sản xuất và nhập khẩu.

Tuy nhiên, để giữ mức tăng ổn định tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tạo dựng được thương hiệu của riêng mình bằng chất lượng tốt và thiết kế mới lạ.

Xuất khẩu dệt may sang Nhật: Tạo thương hiệu bằng chất lượng - Ảnh 1.

Để ổn định tại thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tạo dựng được thương hiệu của riêng mình. Ảnh minh hoạ TTXVN

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 6/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 18 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD đứng thứ ba sau thị trường Mỹ (chiếm khoảng trên 11,7 tỷ USD) và các nước EU (chiếm 2,56 tỷ USD).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt  Nam (Vitas) cho biết, tại thị trường Nhật Bản năm nay sức mua của người tiêu dùng giảm, tuy nhiên hàng dệt may vẫn duy trì được tốc độ xuất khẩu khá tốt. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp dệt may đã có được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này đến hết năm như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10...

Theo ông Vũ Đức Giang, Nhật Bản có tiêu chuẩn về sản phẩm khắt khe, hệ thống phân phối phức tạp, chi phí xúc tiến thương mại cao nên để đạt được hiệu quả đàm phán và tiết kiệm chi phí doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các mặt hàng có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng khá đa dạng và nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng, từ quần áo các loại, sơmi cao cấp, veston các loại, hàng thể thao, quần áo trẻ em, đặc biệt là khăn bông.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, Nhật Bản là thị trường truyền thống của May 10 từ nhiều năm nay. Tổng công ty đã có hợp tác với nhiều các đối tác, hãng thời trang, nhà bán lẻ hàng đầu tại Nhật Bản như Công ty như Uniqlo (Uniqlo) và Tập đoàn Aeon (Aeon) Nhật Bản...

Kim ngạch xuất khẩu của May 10 sang Nhật Bản hiện chiếm trên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tổng công ty, sản lượng chiếm khoảng 15-20%.

Theo ông Thân Đức Việt, để giảm tỷ lệ gia công, tăng giá trị gia tăng của hàng may mặc xuất khẩu sang Nhật, về lâu dài, không còn con đường nào khác là các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực thiết kế thời trang, tăng cường sức cạnh tranh. Có như vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản.

Hiện nhiều đối tác Nhật Bản có nhu cầu đặt những đơn hàng nhỏ, chất lượng, kiểu dáng độc đáo. Đây cũng là lợi thế vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được, tuy nhiên thách thức cho các doanh nghiệp dệt may trong nước là thời gian đáp ứng các đơn hàng này thường nhanh, nếu không có sự chuẩn bị tốt về nguồn nguyên liệu sẽ bị tuột mất khách hàng.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong nhiều năm qua ngành dệt may luôn là một trong số những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ lao động có nhiều kinh nghiệm và tay nghề chuyên nghiệp ngày càng chiếm tỉ lệ lớn và sự ưu đãi từ các chính sách của nhà nước, ngành dệt may đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, vừa tạo ra giá trị hàng hóa cho người dân sử dụng, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra các nước khác trên thị trường thế giới.

Theo Vinatex, điểm mạnh của ngành dệt may Việt Nam là trang thiết bị của ngành may mặc đã được đổi mới và hiện đại hoá đến 90%. Các sản phẩm đã có chất lượng ngày một tốt hơn và được nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản chấp nhận.

Song song đó, các doanh nghiệp dệt may đã ra sức xây dựng thành công được các mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều nhà nhập khẩu, nhiều tập đoàn tiêu thụ lớn trên thế giới. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng được bạn hàng đánh giá là có lợi thế về chi phí lao động, kỹ năng và tay nghề may tốt.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới cũng giúp tiếp cận thị trường tốt hơn cho hàng dệt may.

Vinatex đang hướng đến sự phát triển bền vững thông qua việc phát triển cân bằng ở tất cả các thị trường; trong đó đặc biệt quan tâm đến quan hệ chính trị giữa các quốc gia. Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ rất tốt đẹp và đây cũng là thị trường đầu tiên của ngành dệt may Việt Nam ra thế giới khi còn chưa gia nhập WTO.

Đơn cử như năm 2019, đánh dấu cột mốc 30 năm (1989 – 2019) quan hệ hợp tác giữa Công ty TNHH Công nghiệp  Katakura và Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex) – đơn vị 100% vốn của Tập đoàn.

Trong thời gian tới, Katakura sẽ tăng đơn hàng đồ lót tại Việt Nam, do đó Katakura kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác với Doximex hơn nữa để sản xuất mặt hàng này. Hiện Katakura đang phối hợp với Doximex triển khai các giải pháp nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Hằng Trần