Ủy ban Chứng khoán: Tăng số lượng NĐT tổ chức để hạn chế đầu cơ chứng khoán phái sinh
Coi chứng khoán phái sinh là ‘con dao hai lưỡi’ làm ‘95% nhà đầu tư thua lỗ’, ông Lê Hải Trà vẫn chọn phái sinh nếu đầu tư |
Sáng 3/8 tại Hà Nội, báo Nhân Dân phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Diễn đàn “Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững và minh bạch”.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam điểm qua một số thành tựu mà thị trường chứng khoán phái sinh đã đạt được sau một năm hoạt động (từ ngày 10/8/2017) cụ thể như:
Về số thành viên: Ban đầu khi mở cửa thị trường có 7 công ty chứng khoán tham gia, đến nay đã có 9 công ty được cấp phép hoạt động kinh doanh và bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh.
Số lượng nhà đầu tư: Từ hơn 2.000 nhà đầu tư ban đầu đến nay đã có trên 39.000 NĐT đăng ký mở tài khoản tham gia thị trường.
Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đạt trên 39.000 hợp đồng tương ứng giá trị là trên 3.700 tỷ đồng tính từ khi mở cửa thị trường đến ngày 1/8.
Số lượng vị thế mở đến nay là 18.255 hợp đồng.
Giá trị thanh toán lãi/lỗ bình quân hàng ngày chỉ trên 8 tỷ đồng do VSD thực hiện cơ chế bù trừ ròng đa phương trên các tài khoản.
Mặc dù thị trường chứng khoán phái sinh đã có bước khởi đầu thành công với sự tăng trưởng đáng khích lệ, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như thị trường mới chỉ có sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được đưa vào giao dịch.
Số lượng NĐT tham gia thị trường khá lớn nhưng chủ yếu là NĐT cá nhân (chiếm hơn 99%), số lượng NĐT tổ chức còn ít. Hiện mới chỉ có 98 NĐT tổ chức trong đó số NĐT tổ chức trong nước là 88 và nước ngoài là 10; trong khi đó tại các thị trường phát triển, NĐT tổ chức đóng vai trò chủ đạo.
Quy mô thị trường tuy tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn khá nhỏ. Giá trị giao dịch ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian gần đây dao động quanh mức 1.500 tỷ đồng (khoảng 70 triệu USD); giá trị giao dịch danh nghĩa thời điểm cao nhất là trên 14.000 tỷ đồng (hơn 600 triệu USD). Trong khi đó, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán cơ sở hiện nay (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) là hơn 200 tỷ USD, chiếm trên 90% GDP.
Hoạt động giao dịch trên thị trường còn thiên về mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong ngày khi khối lượng mở thấp hơn khá nhiều so với khối lượng hợp đồng giao dịch trong ngày.
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCK) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Y Vân. |
Làm sao để giảm đầu cơ trên thị trường phái sinh?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các cơ quan quản lý có kế hoạch gì để hạn chế tình trạng đầu cơ, tìm kiếm lợi nhuận trong ngày, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Mục đích chính của thị trường chứng khoán phái sinh là hedging (rào chắn rủi ro). Trên thực tế, NĐT tham gia thị trường phái sinh với mục đích hedging cũng có mà đầu cơ cũng có. Thị trường phái sinh là sân chơi mới, theo thông tin mà Ủy ban Chứng khoán nắm được thì đa số NĐT là các cá nhân, tham gia với mục đích đầu cơ là nhiều hơn.
Vì vậy, mục đích của Ủy ban Chứng khoán trong thời gian tới là phát triển số lượng nhà đầu tư tổ chức vì các NĐT này thường hedging nhiều hơn. Thị trường chứng khoán phái sinh giành cho các NĐT tổ chức là chính.
Trước lo ngại thị trường phái sinh có ảnh hưởng quá lớn, tạo ra sự sụt giảm của thị trường cơ sở, ông Sơn cho biết thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức một số đoàn đi kiểm tra và thấy đúng là có hiện tượng đầu cơ trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường phái sinh có tác động ngược lại thị trường chứng khoán cơ sở vì quy mô thị trường phái sinh hiện còn quá nhỏ.
Theo ông Sơn, dòng tiền ký quỹ của NĐT chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng là không đủ để làm giảm thị trường cơ sở.