USDA: Dự báo sản lượng cà phê Colombia năm 2020 - 2021 phục hồi trước tác động của COVID-19
Sản xuất
Dự báo sản lượng cà phê của Colombia trong năm 2020 - 2021 đạt 14,1 triệu bao nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và những thách thức từ đại dịch COVID-19 được khắc phục.
Ước tính sản xuất trong năm 2019 - 2020 được điều chỉnh, giảm từ 14,3 xuống còn 13,8 triệu bao, chủ yếu là do biến đổi khí hậu và các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Đầu năm 2020, mùa mưa trì hoãn đã ảnh hưởng đến độ chín của hạt cà phê và làm tăng nguy cơ sâu đục thân từ hạn hán kéo dài. Trên thực tế, vào tháng 4, mức độ phá hoại của sâu đục thân đạt 6,2%, cao hơn ước tính là 2%.
Thông thường mưa bắt đầu vào tháng 3, nhưng năm nay lại bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng 4. Liên đoàn người trồng cà phê Colombia (Fedecafe) ước tính sản lượng từ tháng 5 đến tháng 7 sẽ bù đắp một phần mức sản lượng thấp của tháng 3 và tháng 4 vì sản xuất trở lại mức bình thường.
Ngoài những thách thức về biến đổi khí hậu, vào ngày 25/3, chính phủ Colombia đã ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc để đối phó với sự bùng phát của COVID-19.
Các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp được phép tiếp tục hoạt động, tuy nhiên, một số thách thức đã phát sinh. Trong lĩnh vực cà phê, mối quan tâm chính là vấn đề thiếu lao động và ảnh hưởng của việc phong tỏa đối với vận chuyển và hậu cần.
Trong quí đầu tiên, ước tính khoảng 6,5 triệu bao được thu hoạch bởi 135.000 công nhân thời vụ. Những nhà sản xuất qui mô vừa và lớn thường thuê nhân công nhân từ các ngành khác và trong những năm gần đây, những người nhập cư Venezuela đã hỗ trợ nguồn lao động ở các khu vực sản xuất chính.
Do các biện pháp kiểm dịch, người dân bị hạn chế đi lại và mối quan tâm chính là thiếu nhân công. Fedecafe và chính phủ Colombia đã đưa ra các hướng dẫn phòng dịch trong khi thu hoạch cũng như tiến hành chiến dịch để thúc đẩy người dân địa phương thất nghiệp trong các lĩnh vực khác làm việc trong các trang trại cà phê.
Hộ nông dân sản xuất qui mô nhỏ (dưới 3 ha) được yêu cầu chỉ thuê lao động trên 16 tuổi trong khi hộ nông dân qui mô vừa và lớn được khuyến khích tận dụng mọi nguồn lao động.
Chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế trong đi lại và vận chuyển hàng hóa. Các nhà cung cấp, thương nhân và trung gian phải trì hoãn việc thu gom và giao cà phê trong khi các ngân hàng cũng như các tổ chức khác ngừng hoạt động cũng cản trở hoạt động giao dịch cà phê.
Giá nội địa
Giá nội địa tại Colombia phụ thuộc vào giá quốc tế trên Sàn New York và tỉ giá hối đoái giữa đồng peso và đồng USD. Việc giá quốc tế giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá nội địa trong năm 2018 và một phần của năm 2019.
Kể từ tháng 5/2019, sự phục hồi của giá quốc tế và sự mất giá của đồng peso đã được cải thiện, giúp duy trì giá nội địa trên mức chi phí sản xuất trung bình (715.000 peso/bao 125 kg).
Tuy nhiên, kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiện được ghi nhận ở Colombia, giá nội địa đã tăng lên mức cao kỉ lục. Vào tháng 3, giá cà phê tăng 25,7% so với tháng trước và 65,5% so với tháng 3/2019.
Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi giá quốc tế cao hơn khi các nước nhập khẩu hàng đầu tăng dự trữ trước sự gián đoạn nguồn cung và giá trị đồng peso tăng 20%.
Năm 2019, Fedecafe ước tính có 540.000 hộ gia đình trồng cà phê tại 21 trong số 32 tỉnh của Colombia, trong đó hộ nông dân qui mô nhỏ với diện tích dưới 5 ha chiếm khoảng 69% sản lượng cà phê của quốc gia này.
Diện tích trồng đạt khoảng 860.000 ha trên cả nước, trong đó có 800.000 ha đáp ứng các điều kiện trồng cải tiến, chẳng hạn như cây chống gỉ sét, trồng xen và ít hơn 12 năm tuổi.
Sau khi thực hiện thành công chương trình cải cách cây trồng, mật độ trồng tăng lên 5.232 cây/ha, diện tích trồng các giống chống gỉ đạt 82,4% với năng suất ở mức cao 20,5 bao/ha, và tuổi trung bình của các đồn điền giảm xuống 6,7 năm.
Nếu diện tích trồng được cải tạo ít nhất đạt 80.000 ha/năm, tiềm năng năng suất của Colombia sẽ ở mức khoảng 14,7 triệu bao.