|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Báo cáo ngành đường dự báo thị trường toàn cầu tháng 12/2019

18:51 | 17/12/2019
Chia sẻ
USDA dự kiến sản lượng đường của Mỹ sụt giảm, nhập khẩu từ Mexico đạt mức cao nhất từ niên vụ 2013/2014. Trong khi đó, sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc có thể tác động đến giá đường thế giới.

Sản xuất đường tại Mỹ sụt giảm, tăng nhập khẩu từ Mexico 

Trong báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp thế giới (WASDE) tháng 12, USDA dự kiến sản lượng đường của Mỹ niên vụ 2019/2020 sụt giảm. Nhập khẩu tăng lên với phần lớn đến từ Mexico. 

Mỹ có thể sản xuất hơn 8,2 triệu tấn đường cho năm 2019/2020, giảm 331.000 tấn so với báo cáo tháng 11 do điều kiện trồng trọt không thuận lợi đối với cả mía và củ cải đường. 

1

Lượng đường Mỹ nhập khẩu từ Mexico qua các niên vụ. Đơn vị: 1.000 tấn thô/Nguồn: USDA

Thời tiết lạnh khiến tiến độ thu hoạch chậm lại, nông dân phải kết thúc vụ sớm. Do đó, sản lượng đường củ cải ước tính gần 4,4 triệu tấn thô (STRV), giảm 221.000 tấn so với dự đoán tháng trước, báo cáo ngành đường này chưa bao gồm cập nhật tình hình trong tháng 12.

Cơ quan thống kê nông nghiệp quốc gia (NASS) cho biết, bang Lousiana chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với sản lượng khoảng 1,7 triệu tấn, giảm 82.000 tấn so với dự báo tháng 11. điều kiện trồng trọt nhiều thách thức đã hạ sản lượng mía trong năm nay, kể từ mùa thu 2018. 

Nhập khẩu từ Mexico cao nhất từ năm 2013/2014

Nhu cầu sử dụng đường của Mỹ không thay đổi so với dự báo tháng 11, với gần 13 triệu tấn cho năm 2019/20. Trong đó, khoảng hơn 12 triệu tấn dành cho thực phẩm và đồ uống, tăng nhẹ 0,2% so với năm trước.

Nhập khẩu đường cho năm 2019/2020 dự kiến trên 3,8 triệu tấn thô (STRV), tăng 20,5% từ năm 2018/2019 và tăng 701.000 tấn so với dự báo tháng trước.

Nhập khẩu từ Mexico có thể cao hơn 82,6% so với niên vụ 2018/2019 và lớn nhất kể từ 2013/2014. Nhập khẩu theo hạn ngạch trong năm 2019/2020 đã giảm 8.000 tấn xuống còn 1,613 triệu tấn. 

Theo Hiệp hội mía đường Mexico (Conadesuca), đến cuối tháng 11, Mexico đã xuất khẩu 30.000 tấn đường, không kể Mỹ. Nguồn cung đường Mexico cho năm 2019/2020 được dự kiến trên 7 triệu tấn, không đổi so với dự báo tháng trước. 

Thời tiết hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng trồng mía của Mexico khiến sản lượng đường giảm đáng kể trong năm 2019/2020. Tổng sản lượng ước đạt gần 5,8 triệu tấn, giảm hơn 10% so với cùng kì.

Tính đến hết tháng 11, chỉ có 15/54 nhà máy bắt đầu hoạt động. Thông thường, tháng 1 sẽ vào vụ cao điểm mía đường. Lượng tồn kho kết thúc năm 2019/2020 dự kiến đạt 930.000 tấn, giảm nhẹ từ 936.000 tấn dự báo tháng trước do gia tăng trong xuất khẩu. 

Tại Brazil, sản lượng đường giảm 24% trong năm 2018/2019. Ngành công nghiệp nước này khai thác mía sản xuất đường (chủ yếu dành cho thị trường xuất khẩu) và ethanol (chủ yếu sử dụng cho thị trường nhiên liệu trong nước). 

Năm 2018/2019 và 2019/2020, Brazil đã chuyển hướng kỉ lục khi tập trung sản xuất ethanol. Điều này giúp giảm nhẹ tình trạng dư cung đường trong vài năm qua, nó cũng đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của giá đường thế giới. 

Trung Quốc tác động mạnh đến giá đường toàn cầu?

Ngoài Brazil và Ấn Độ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vị trí ngày càng quan trọng đối với sản xuất và thương mại đường toàn cầu. Đặc biệt là Indonesia và Trung Quốc, hai quốc gia đứng đầu các nhà nhập khẩu trên thế giới, trong khi Thái Lan và Australia là nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ tư. 

Sự thay đổi thị trường và chính sách ở Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thương mại và nhu cầu đường toàn cầu. 

5

Sản lượng đường, xuất/nhập khẩu và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, Nguồn: USDA/ Việt hóa: Đan Thanh

Như đã thực hiện với các mặt hàng khác, Trung Quốc đột ngột tăng dự trữ đường trong nước từ niên vụ 2011/2012 đến 2013/2014. Điều này thể hiện chủ yếu thông qua việc gia tăng nhập khẩu trong thời kỳ giá đường thế giới giảm dần. 

Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể bắt đầu từ giữa niên vụ 2014/2015 và 2016/2017, một phần do giá đường trong nước tương đối thấp, khiến lợi nhuận nông dân và nhà máy đều bị co hẹp.

Trung Quốc là một thị trường đủ lớn có thể ảnh hưởng đến giá đường thế giới khi cũng xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi quốc gia này tiếp tục nhập khẩu một phần lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước, họ cũng tìm cách xuất khẩu để hạn chế lượng đường dư thừa. 

Trung Quốc dựa vào hạn ngạch và các biện pháp tự vệ để cách li ngành công nghiệp trong nước khỏi cạnh tranh nước ngoài. Nếu Trung Quốc cũng tham gia lớn hơn vào thị trường đường toàn cầu, điều này có thể có tác động đủ mạnh đến nhu cầu tăng giá đường thế giới.

Chi tiết báo cáo thị trường đường tháng 12/2020 (bản gốc bằng tiếng Anh) của USDA tại đây:

Đan Thanh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.