|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

UPCoM: Bí ẩn những mã có thanh khoản bất ngờ

15:33 | 24/01/2017
Chia sẻ
Không phải là những “ông lớn” được chú ý trên sàn, các cổ phiếu này vẫn được nhà đầu tư giao dịch mạnh với thanh khoản trung bình xấp xỉ mức vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên trên UPCoM. Mỗi cổ phiếu là một câu chuyện đầy bí ẩn.

SSN: doanh thu thuần 7 tỷ đồng, lợi nhuận khác 266 tỷ đồng

Cổ phiếu SSN của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn là 1 trong 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong 6 tháng qua trên sàn UPCoM. Khối lượng khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần nhất của SSN là 238.292 đơn vị/phiên, giá cổ phiếu dao động từ 20.400 đồng/CP đến 23.600 đồng/CP.

Thực tế, SSN không phải là cổ phiếu mới tại UPCoM. Cổ phiếu này chào sàn UPCoM từ năm 2013, nhưng thanh khoản chỉ bắt đầu tăng mạnh từ nửa cuối năm 2016.

SSN có gốc là doanh nghiệp nhà nước nhưng năm 2013, Nhà nước đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn cho các cổ đông tư nhân. SSN hiện có vốn điều lệ 396 tỷ đồng, có hoạt động chính là khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Vào cuối năm 2015, SSN đã phát hành riêng lẻ thành công 30 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 96 lên 396 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư Thanh niên Sài Gòn rót gần 200 tỷ đồng mua 20,2 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ.

SSN hiện có 3 cổ đông lớn, trong đó ông Nguyễn Nhân Kiệt (đại diện cho CTCP Đầu tư Thanh niên Sài Gòn) nắm giữ 46,04%, 2 cái tên còn lại là Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (5,01%) và Công ty Quản lý quỹ Viettinbank (5%).

Trái với diễn biến giao dịch sôi động của cổ phiếu SSN, năm 2016, SSN không công bố bất cứ thông tin nào về kết quả kinh doanh. Đến đầu năm 2017, SSN bất ngờ công bố kết quả kinh hợp nhất sơ bộ của quý IV/2016 với lợi nhuận sau thuế 230,5 tỷ đồng, lũy kế cả năm, SSN ghi nhận lãi ròng 252,9 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần lợi nhuận cả năm 2015 (11,7 tỷ đồng).

Theo báo cáo, doanh thu từ hoạt động kinh doanh SSN trong năm là hơn 7 tỷ đồng, trong khi khoản mục thu nhập khác đạt con số 280,7 tỷ đồng và mang lại 266 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Theo một số nguồn tin, mức lợi nhuận nhiều khả năng đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản của SSN khi một công ty con của SSN đã thực hiện chuyển nhượng góp vốn phần đất đang sở hữu trong năm qua. Bất động sản cũng là yếu tố được đánh giá tiềm năng khi SSN đang sở hữu nhiều đất vàng tại TP. HCM.

TOP: dấu hỏi về kết quả kinh doanh 2016

Cổ phiếu TOP của CTCP Phân phối Top One cũng có giao dịch sôi động trên UPCoM với thanh khoản trung bình trên 100.000 đợn vị/phiên trong hơn 1 năm qua. TOP lên sàn từ tháng 7/2015 với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP và từng leo lên mức đỉnh 17.200 đồng/CP (chốt phiên 27/2/2015).

Tuy nhiên, cũng từ đó, cổ phiếu này lao dốc về mức “giá bèo” và không qua nổi mức 5.000 đồng/CP thời gian qua. Hiện tại, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/1, giá cổ phiếu TOP đứng ở mức 1.600 đồng/CP.

Điểm đáng chú ý của TOP là có truyền thống tăng vốn “khủng”. Vốn điều lệ của TOP khi bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2013 chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng.

Trong năm 2015, qua hai đợt phát hành, vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên 97,7 tỷ đồng. Đầu tháng 8/2016, TOP lại thực hiện đợt phát hành 15,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ từ 97,5 tỷ đồng lên 253,5 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, vốn điều lệ của TOP đã tăng tới hơn 80 lần, từ 3 tỷ đồng lên 253,5 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2016, TOP đặt kế hoạch doanh thu tăng tới 7 lần so với năm 2015, đạt 350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27,3 tỷ đồng, gấp 13 lần con số cùng kỳ. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 10%. Đến thời điểm hiện tại, TOP chưa công bố Báo cáo tài chính năm. Tuy nhiên, 9 tháng, TOP công bố lãi ròng 10,3 tỷ đồng còn riêng quý IV lỗ ròng 222 triệu đồng.

Một điểm đáng lưu tâm, tại Báo cáo tài chính quý IV, trên Bảng cân đối kế toán, lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2016 của TOP là 845 triệu đồng, ghi nhận giảm hơn 11,6 tỷ đồng so với lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm cuối quý III/2016 là 12,47 tỷ đồng (dù chỉ lỗ từ hoạt động kinh doanh 222 triệu đồng).

PFL: lỗ triền miên, thanh khoản vẫn mạnh

Tương tự TOP, cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô đang giao dịch ở mức giá rất thấp trên UPCoM, chưa đến 2.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản đến cả 100.000 cổ phiếu/phiên. PFL lên UPCoM năm 2015 sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX do lỗ 3 năm liên tiếp.

Hiện tại, tình hình hoạt động của PFL chưa có dấu hiệu cải thiện. Tính đến quý III/2016, PFL vẫn lỗ lũy kế 160,9 tỷ đồng trên vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Kết quả 9 tháng 2016, PFL đạt doanh thu hơn 64 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1,75 tỷ đồng.

PFL là một trong nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (PVX-HNX) trải qua quá trình thua lỗ triền miên và đồng loạt bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán trong các năm qua.

Trường hợp của TOP và PFL trong quá khứ từng tạo nên các đợt sóng các cổ phiếu giá bèo khi nhà đầu tư “mạo hiểm” lướt sóng các cổ phiếu này. Theo các chuyên gia, hiện tượng cổ phiếu giá bèo giao dịch mạnh là do tâm lý nhà đầu tư đã quen giao dịch khi cổ phiếu còn niêm yết và sự kỳ vọng vào sự hồi sinh của các cổ phiếu này, nhất là những doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu với triển vọng khả quan.

Chuyên gia cũng cảnh báo, việc đuổi theo sóng cổ phiếu bèo rất rủi ro. Với tình trạng kinh doanh bết bát, bị đào thải khỏi thị trường niêm yết chính thức, các doanh nghiệp muốn hồi phục cũng cần một thời gian đủ dài.

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp niêm yết thua lỗ phải hủy niêm yết bắt buộc và những cổ phiếu này trở thành hàng hóa bổ sung cho sàn UPCoM. Trong đó, một số cổ phiếu trở thành “hàng hot” trên UPCoM, với giao dịch sôi động. Tuy nhiên, hiện tượng này đã không còn kể từ tháng 6/2016 khi HNX tiến hành phân bảng cổ phiếu.

Hiện Bảng cảnh báo nhà đầu tư trên UPCoM có hơn 40 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, do doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính hoặc không nộp Báo cáo tài chính năm gần nhất.

Nguyễn Gia