|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Uber đền bù gần 7.000 nhân viên bị sa thải vì COVID-19

07:25 | 20/05/2020
Chia sẻ
Chương trình đền bù nghỉ việc của Uber tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng giúp công ty này tiết kiệm được 1 tỉ USD cả năm.

Đầu tuần này, hãng gọi xe Uber của Mỹ tuyên bố đợt sa thải thứ hai với gần 3.000 nhân sự do tác động của đại dịch Covid-19. Chỉ trong hai tuần qua, công ty này đã cắt giảm 25% nhân sự toàn cầu, tương đương gần 7.000 nhân viên.

Tuy nhiên, hãng gọi xe đình đám đưa ra gói đền bù được đánh giá là hào phóng dành cho toàn bộ nhân viên bị sa thải. Cụ thể, mỗi nhân viên sẽ được nhận tối thiểu 10 tuần lương (nhiều hơn tùy thâm niên), quyền lợi về sức khỏe được duy trì tới hết năm 2020, chi trả cổ phiếu cho những nhân viên được nhận thưởng khi mới tuyển dụng tùy từng trường hợp.

Ngoài ra, Uber cũng sẽ đẩy mạnh danh mục Talent Directory nhằm giúp giới thiệu các nhân viên bị sa thải cho các nhà tuyển dụng khác. Động thái tương tự cũng được startup chia sẻ chỗ ở Airbnb thực hiện khi sa thải hàng loạt nhân viên đầu tháng này. Đây được xem là những chương trình đền bù nghỉ việc đầy nhân văn.

Uber đền bù gần 7.000 nhân viên bị sa thải vì Covid-19 - Ảnh 1.

CEO Dara Khosrowshahi của Uber. Ảnh: Getty Images.

Riêng Uber thậm chí đưa thêm một số quyền lợi khác dành cho những nhân viên bị cắt giảm. Công ty này cho biết có chính sách hỗ trợ thêm cho những nhân sự có thị thực lao động do Uber bảo trợ. Những người này phải tìm được một công việc khác trong vòng vài tháng và phải được nhà tuyển dụng bảo trợ thị thực, nếu không sẽ bị trục xuất.

Uber cho biết những nhân viên có thị thực H1B (thị thực lao động, không định cư) sẽ có thêm 30 ngày chuyển đổi để tìm việc mới và xin cấp thị thực mới. Họ cũng có thể tìm đến các chuyên gia để được giải đáp thắc mắc và nhận trợ cấp liên quan tới các chi phí xin thị thực.

Theo các phân tích, chương trình hỗ trợ nói trên cho thấy CEO Dara Khosrowshahi của Uber là người đặc biệt quan tâm tới nhân viên nhập cư bởi bản thân ông cũng là người nhập cư. Ông rời Iran tới Mỹ tị nạn từ khi còn là một đứa trẻ.

Ngoài ra, Uber cũng cho biết đang xem xét đặc biệt đối với những trường hợp đang nghỉ thai sản thuộc diện bị sa thải. Những nhân viên này sẽ vẫn là nhân viên của công ty cho tới khi hết thời gian nghỉ phép. 

Họ sẽ vẫn nhận được các quyền lợi về y tế và cổ phiếu tới thời điểm đó. Những nhân viên có kế hoạch nghỉ phép từ trước sẽ được trả tiền mặt (lên tới 18 tháng) cho số ngày nghỉ đó và có thể đổi cổ phiếu tới hạn sang nhượng trong khoảng thời gian đó để lấy tiền mặt.

Chương trình đền bù của Uber tiêu tốn số tiền không nhỏ. Theo hồ sơ gửi lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), Uber cho biết với đợt sa thải lớn này, công ty sẽ phải chi khoảng 175 - 200 triệu USD, trong đó 110 - 140 triệu USD liên quan tới tiền đền bù nghỉ việc (không bao gồm chi phí liên quan tới đền bù bằng cổ phiếu). 

Trước đó, công ty này đã tốn 35 - 40 triệu USD cho đợt sa thải 3.700 nhân viên vào ngày 6/5. Tuy nhiên, Uber cho biết việc sa thải nhân viên giúp công ty tiết kiệm được 1 tỷ USD mỗi năm.

Đợt sa thải này của Uber cũng khác so với đợt trước đó khi mỗi nhân viên nhận được thông báo và thảo luận trực tiếp về gói đền bù với phòng nhân sự thay vì thông báo hàng loạt qua phần mềm họp trực tuyến như hai tuần trước.

CEO Dara Khosrowshahi cũng tuyên bố sẽ không nhận lương trong suốt thời gian còn lại của năm nay. Năm 2019, mức lương cơ bản của Khosrowshahi là 1 triệu USD

Nhưng phần lớn thu nhập của ông đến từ thưởng cổ phiếu, trị giá khoảng 37 triệu USD vào năm ngoái. Trong báo cáo gửi SEC hôm qua, ban giám đốc Uber cũng cho biết họ sẽ không nhận lương, dao động 80 - 200.000 USD tuỳ bộ phận và chức vụ.

Phương Anh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.