|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú Mỹ lần lượt du hành vũ trụ, tài phiệt Trung Quốc không thiếu tiền nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn thèm thuồng

09:29 | 23/07/2021
Chia sẻ
Giới siêu giàu Trung Quốc cũng đang tìm cơ hội phiêu lưu và kinh doanh trên bầu trời, nhưng được tự mình bay vào vũ trụ chỉ có thể là ước ao.

Tài phiệt Trung Quốc gác lại ước mơ du hành vũ trụ

Gần đây, hai tỷ phú Jeff Bezos - ông chủ gã khổng lồ thương mại Amazon và Richard Branson - trùm khởi nghiệp, người sáng lập Virgin Group, vừa thực hiện hai chuyến bay ngắn vào không gian. Các tài phiệt khác trên thế giới có thể cũng đang khao khát có một chuyến đi tương tự.

Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc, giới tài phiệt cũng đang hướng đến ngành du lịch vũ trụ và loại hình thám hiểm không gian mà Elon Musk đang theo đuổi.

Song, họ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất vệ tinh và phóng tên lửa, những hạng mục hỗ trợ tham vọng của Bắc Kinh trong không gian, thay vì mơ về một chuyến du hành vũ trụ.

Tỷ phú Mỹ lần lượt du hành vũ trụ, tài phiệt Trung Quốc góp tiền nhưng chỉ có thể thèm thuồng ước ao - Ảnh 1.

Tỷ phú Richard Branson trước giờ bay vào không gian, ngày 11/7. (Ảnh: Getty Images).

"Chính phủ Trung Quốc muốn lĩnh vực tư nhân hỗ trợ cho nhà nước trong lĩnh vực không gian...", ông Lincoln Hines, một chuyên gia về Trung Quốc tại trường Air War College ở thành phố Montogomery (bang Alabamy, Mỹ), cho hay.

Trung Quốc là quê hương của nhiều người trong danh sách 500 tỷ phú hàng đầu thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Do đó, có khá nhiều cá nhân giàu có muốn tham gia vào lĩnh vực không gian tại đất nước tỷ dân.

Góp tiền hỗ trợ tham vọng của chính phủ

Hồi tháng 2 năm nay, ông Li Shufu - Chủ tịch của tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group, cho biết họ đã nhận được giấy phép chế tạo vệ tinh. Ước tính nhà máy của Zhejiang Geely tại miền đông Trung Quốc có thể đạt công suất hàng năm hơn 500 vệ tinh.

Shunwei Capital đã đầu tư vào một số công ty như nhà sản xuất vệ tinh Galaxy Space, Bloomberg thông tin. Shunwei chính là doanh nghiệp được đồng sáng lập của hãng điện thoại Xiaomi - tỷ phú Lei Jun, hậu thuẫn.

Năm 2019, tập đoàn bất động sản Country Garden Holding do Yang Huiyan - người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc kiểm soát đã dẫn đầu vòng gọi vốn cho startup chế tạo tên lửa có tên Land Space Technology.

Ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu Sáng kiến Chính sách Vũ trụ và Hạt nhân tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi (Ấn Độ), nhận xét: "Bắc Kinh nhận ra rằng tận dụng khu vực tư nhân để chế tạo vệ tinh và phóng tên lửa là rất hữu ích".

Tham vọng của các tỷ phú Trung Quốc trái ngược với những chiến tích liều lĩnh, gây chú ý của các nhà tài phiệt như Jeff Bezos, Richard Branson và Jared Isaacman - người đã đặt vé lên quỹ đạo Trái đất trên một con tàu do SpaceX sản xuất.

Tỷ phú Mỹ lần lượt du hành vũ trụ, tài phiệt Trung Quốc góp tiền nhưng chỉ có thể thèm thuồng ước ao - Ảnh 2.

Chủ tịch Li Shufu của Zhejiang Geely Holding Group. (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài ra, CEO SpaceX Elon Musk cũng từng kể về mong muốn du hành đến sao Hỏa nhưng vẫn chưa ấn định ngày thực hiện chuyến đi đầu tiên ra vũ trụ.

Tại Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhắm đến các nhân vật nổi tiếng như Jack Ma - cựu Chủ tịch Alibaba Group Holding, các tỷ phú rất cẩn trọng. Họ không muốn vì vài phút thiếu cân nhắc mà thành ra chống đối chính phủ.

Lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc còn non trẻ

Tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã hạ cánh một tàu thám hiểm trên sao Hỏa. Tháng trước, chính phủ vừa gửi một số phi hành gia đến làm việc trên một trạm vũ trụ đang xây dựng. Trong tương lai, Bắc Kinh muốn thành lập một trạm nghiên cứu trên Mặt trăng.

Theo Bloomberg, các phi hành gia Trung Quốc chưa bao giờ ghé thăm Trạm Không gian Quốc tế, và một chính sách do Mỹ ban hành lần đầu vào năm 2011 cấm hầu hết liên lạc giữa NASA và các đồng nghiệp Trung Quốc.

Tỷ phú Mỹ lần lượt du hành vũ trụ, tài phiệt Trung Quốc góp tiền nhưng chỉ có thể thèm thuồng ước ao - Ảnh 3.

Tàu thám hiểm Zhurong đặt chân lên sao Hảo, ngày 19/5. (Ảnh: Getty Images).

Ông Masayasu Ishida, CEO của tổ chức phi lợi nhuận Spacetide Foundation, cho biết Bắc Kinh hiện có hơn 150 công ty phụ trách nhiều khâu như phóng tên lửa và vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất,...

Các startup tại Trung Quốc có thể nhận được nguồn hỗ trợ tài chính hào phóng từ giới tài phiệt. Theo ông Ishida, các công ty thương mại trong lĩnh vực không gian ở đất nước tỷ dân đã thu hút được khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư vào năm ngoái, tăng so với con số 800 triệu USD vào năm 2019.

"Ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc còn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai. Trong tương lai, khả năng cao là các công ty ngoài ngành sẽ bước chân vào lĩnh vực không gian", ông Ishida nhận định.

Theo ông Blaine Curcio, người sáng lập Orbital Gateway Consulting, một công ty nghiên cứu tập trung vào viễn thông vệ tinh và vũ trụ, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có thêm nhiều tài phiệt Trung Quốc nhảy vào thị trường này.

Khả Nhân