|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm tỷ đồng

12:37 | 15/03/2024
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến động 1%, Vietnam Airlines mất thêm 300 tỷ đồng, nếu biến động tăng 5% thì chi phí của hãng hàng không quốc gia tăng lên 1.500 tỷ/năm.

Tỷ giá biến động đang khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dư nợ vay và chi phí ngoại tệ ở mức cao. Vấn đề này cũng được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày hôm qua.

Tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ

Ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines. (Ảnh: VGP).

Thông tin tại Hội nghị này, ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, nếu tỷ giá tăng lên 1% thì Vietnam Airlines mất thêm 300 tỷ đồng, nếu biến động tăng 5% thì chi phí của hãng hàng không quốc gia tăng lên 1.500 tỷ/năm.

Nguyên nhân là do các hãng hàng không có nhiều khoản phải trả bằng ngoại tệ như: Thuê, mua máy bay, bảo trì dịch vụ, chi phí lãi vay nếu vay ngoại tệ...

Chênh lệch chi - thu tỷ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.251 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 801 tỷ đồng. Năm 2023, Vietnam Airlines cũng báo cáo lỗ chênh lệch tỷ giá 903 tỷ đồng, khi tỷ giá VND/USD tăng 2,7%. 

Một trường hợp khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN),hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.

Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể."Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động ngoại tệ. Chúng tôi hy vọng có giải pháp duy trì tỷ giá ổn định tới đây", Chủ tịch PVN cho biết.

VND mất giá tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

Tiền đồng mất giá là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp khi chi phí nhập khẩu hay lãi vay ngoại tệ tăng thêm nhưng với những doanh nghiệp xuất khẩu, việc mất giá đồng tiền đồng nghĩa với giá thành giảm lại giúp tăng sức cạnh tranh về xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). (Ảnh: VGP).

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích trong hai năm 2022, 2023, sau đại dịch COVID-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu thế kích thích xuất khẩu.

Các quốc gia như: Trung Quốc,  Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Trong hai năm 2022, 2023, đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ giảm 50%, Banglades giảm 21%, Trung Quốc giảm 11% từ 6,2 nhân dân tệ xuống 7,2 nhân dân tệ và Việt Nam khoảng hơn 3%.

Như vậy, riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, trong hai năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%.

"Đó cũng là một trong những nguyên nhân hai năm 2022, 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may", ông Trường nói.

Vì vậy, ông Trường cho rằng cần tiếp cận chính sách tiền tệ theo phương pháp so sánh và đối chiếu với các quốc gia cạnh tranh khác, để xem xét ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành, qua đó thúc đẩy các ngành xuất khẩu.

Ưu tiên ổn định tỷ giá

Tỷ giá biến động lên xuống sẽ tác động trái chiều đến nhóm các doanh nghiệp khác nhau song cần giữ tỷ giá ổn định, dao động không quá lớn để các doanh nghiệp lường trước các biến số trong môi trường kinh doanh và thích ứng.

TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho rằng tỷ giá vẫn dao động khoảng 4% là vùng có thể chấp nhận được. NHNN phải quản lý và điều hành tỷ giá liên ngân hàng cao lên để giảm bớt áp lực đầu cơ ngoại tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Đặc biệt, trong trường hợp nguy cấp, NHNN có thể áp dụng các biện pháp hành chính như kết hối chẳng hạn để xử lý vấn đề của tỷ giá.

Với năm nay, chuyên gia đánh giá tỷ giá sẽ không biến động quá lớn do các yếu tố hỗ trợ vẫn còn như cán cân thương mại hàng hoá thặng dư lớn, NHNN có dự trữ ngoại hối tương đối cao, ở mức an toàn và vốn giải ngân FDI tăng tốt. Ngoài ra, cán cân thanh toán và lượng kiều hồi tăng tốt trong năm 2023 cho thấy dòng vốn ngoại vẫn vào Việt Nam.

"Đây là những yếu tố tương đối sáng củng cố niềm tin trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam", chuyên gia nói.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán KB, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5% trong năm nay.

Phân tích về các yếu tố khiến tỷ giá tăng nóng ngay từ đầu năm, các chuyên gia KBSV cho rằng, tỷ giá tăng xuất phát từ các yếu tố: USD Index (DXY) tiếp tục mạnh lên; áp lực từ chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn hiện hữu và một lượng lớn ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu của doanh nghiệp giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ thu về từ các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ngay lập tức quay trở lại hệ thống.

Dù vậy, KBSV dự báo tỷ giá năm nay sẽ chỉ tăng 1,5% trong năm nay, đạt 24.600 USD/VNDdo cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 8% - 12% nhờ tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu tích cực, cán cân thương mại không thặng dư lớn như năm 2023 nhưng dự kiến đạt 12 – 18 tỷ USD. 

Thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, nhập khẩu theo đó cũng phục hồi. Xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt thâm hụt do dư địa phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt là với nhóm khách du lịch Trung Quốc Dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng .

Cuối cùng là việc FED cắt giảm lãi suất trong năm sau, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND, cùng triển vọng yếu đi của đồng USD, giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ USD, đặc biệt từ các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu, qua đó hỗ trợ lớn cho dòng ngoại tệ đến từ thương mại.

Dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024. Chênh lệch lãi suất USD/VND giảm giúp giảm bớt áp lực tỷ giá. Chênh lệch lãi suất trên thị trường giảm không những giảm tình trạng găm giữ đầu cơ của các doanh nghiệp mà còn giảm bớt áp lực của hệ thống ngân hàng.

Hạ An