|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tương lai nào chờ đợi ông Trump sau khi bị Hạ viện luận tội?

12:06 | 19/12/2019
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump vừa trở thành vị tổng thống Mỹ thứ ba bị Hạ viện luận tội. Tới đây, vụ việc sẽ được chuyển đến cho Thượng viện - nơi một phiên tòa sẽ được tổ chức vào đầu năm 2020 để xem xét khả năng phế truất ông Trump.
trump nancy pelosi mike pence reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence (ngồi bên trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (ngồi bên phải). Ảnh: Reuters.

Tối 18/12 theo giờ Mỹ, sau 8 giờ tranh luận căng thẳng, đa số nghị sĩ Hạ viện đã biểu quyết thông qua điều khoản luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump với hai tội danh: Lạm dụng quyền lực và Cản trở quốc hội.

Cuộc bỏ phiếu lần này đã khép lại ba tháng điều tra của Đảng Dân chủ Hạ viện về hành động của ông Trump liên quan tới Ukraine và Ứng viên Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên quá trình luận tội còn lâu mới kết thúc. Công việc giờ đây được chuyển đến Thượng viện - nơi quyết định ông Trump sẽ bị kết tội và phế truất hay được trắng án.

Hiện nay Đảng Cộng hòa đang chiếm 53 trên tổng số 100 ghế Thượng viện Mỹ. Để kết tội và phế truất Tổng thống cần tới 67 phiếu thuận trong khi để ông Trump trắng án chỉ cần 34 phiếu. Cho đến nay chưa nghị sĩ Đảng Cộng hòa nào ngỏ ý muốn bỏ phiếu chống lại ông Trump.

Qui trình luận tội tiếp theo có thể sẽ diễn ra như sau:

Giai đoạn mới, người điều hành mới

Các Hạ nghị sĩ đã thông qua các điều khoản luận tội nhưng họ vẫn còn những việc phải làm. Cụ thể, Đảng Dân chủ Hạ viện sẽ phải chọn ra các nhà điều hành luận tội để xuất hiện trước phiên tòa của Thượng viện và trình bày những phát hiện từ quá trình điều tra.

Theo thông lệ lịch sử, các nhà điều hành luận tội thường là thành viên của Quốc hội đóng vai trò công tố viên trong phiên xét xử ở Thượng viện. Chẳng hạn vào năm 1998, 13 nghị sĩ Đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã vào vai người điều hành luận tội trong vụ xử Tổng thống Bill Clinton kéo dài ba ngày ở Thượng viện.

Theo tờ New York Times, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ, bang California) được cho là sẽ chọn các thành viên của ban điều hành luận tội trong vài ngày tới.

Phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện hôm 18/12, bà Pelosi cho biết bà đang đợi xem Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell sẽ đặt ra qui định gì cho phiên tòa rồi mới chuyển các điều khoản luận tội lên.

Sự trì hoãn này có thể tạo cho Đảng Dân chủ quyền mặc cả nhất định trong việc xác định qui tắc phiên xét xử ở Thượng viện.

Nancy Pelosi Getty

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đứng cùng Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler (trái) và Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Eliot Engel (phải) ngày 18/12/2019. Ảnh: Getty Images.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff được xem là những ứng cử viên tiềm năng nhất cho vị trí lãnh đạo nhóm điều hành luận tội.

CNN thì đưa tin Hạ nghị sĩ bang Michigan là Justin Amash đang bị gây sức ép trở thành một trong những người điều hành luận tội. Ông Amash từng theo Đảng Cộng hòa rồi chuyển thành nghị sĩ độc lập, ông cũng thường lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Trump.

Các luật sư riêng của Tổng thống Trump sẽ đại diện cho ông trong phiên tòa ở Thượng viện. Nhiều khả năng trưởng nhóm bào chữa này sẽ là Pat Cipollone - Luật sư Nhà Trắng.

Bồi thẩm đoàn được bầu ra chứ không phải chọn ra

Các thượng nghị sĩ ở Thượng viện sẽ đóng vai trò bồi thẩm đoàn trong phiên xét xử luận tội Tổng thống. Trong các phiên tòa hình sự, bồi thẩm đoàn được tuyển chọn một cách gắt gao để đảm bảo loại bỏ những người có thể đưa ra phán quyết thiên lệch, thiếu công bằng.

Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ lại không phải trải qua quá trình lựa chọn này. Nhiều người đã xác định sẵn phán quyết của mình từ trước khi phiên tòa diễn ra.

Thượng nghị sĩ Đảng cộng hòa Mitch McConnell nói hôm 17/12: "Tôi nghĩ kết quả phiên tòa ở Thượng viện nhìn chung sẽ mang tính đảng phái. Tôi hoàn toàn không khách quan về vấn đề này chút nào".

Trả lời tờ Fox News vào tuần trước, ông McConnell tuyên bố ông "luôn luôn phối hợp chặt chẽ với Luật sư Nhà Trắng" trong các hoạt động liên quan tới cuộc luận tội.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - cũng thuộc Đảng Cộng hòa và là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump - thì còn nói thẳng hơn: "Tôi đã quyết định sẵn rồi. Ở đây tôi không muốn giả vờ mình là một bồi thẩm đoàn công bằng".

Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở Thượng viện với 53 ghế. Để phế truất ông Trump, Đảng Dân chủ cần thuyết phục ít nhất 20 nghị sĩ Đảng Cộng hòa về phe mình, một điều rất khó xảy ra.

Về lí thuyết, Thượng viện có thể không tổ chức phiên toàn xét xử nếu như được 51 phiếu thuận. Tuy nhiên hành động này sẽ vấp phải phản ứng chính trị rất mạnh mẽ và một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã cho thấy là họ muốn giành chiến thắng bằng cách bỏ phiếu miễn tội cho ông Trump hơn là bỏ phiếu không tổ chức xét xử.

Chánh án Tối cao vào cuộc

Theo Hiến pháp Mỹ, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ có quyền điều hành phiên tòa luận tội Tổng thống tại Thượng viện. Tư tưởng của ông Roberts có hơi hướng bảo thủ và nhiều người cho rằng ông sẽ cố gắng giảm thiểu vai trò của mình trong phiên tòa.

Nhưng dù ông Roberts có thích hay không thì chủ tọa phiên tòa cũng là người có quyền lực vô cùng lớn, tác động đáng kể tới kết quả xét xử.

Các qui tắc trong phiên tòa luận tội Tổng thống Clinton năm 1999 nhiều khả năng sẽ được áp dụng lại trong trường hợp ông Trump. Theo đó, vị Chánh án sẽ "có quyền đưa ra phán quyết về mọi vấn đề liên quan đến các bằng chứng" và "chỉ đạo mọi hình thức" tiến hành luận tội.

Người tiền nhiệm của ông Roberts - Chánh án William Rehnquist đã mô tả thời gian ông điều hành phiên tòa luận tội Tổng thống Clinton là một "cú sốc văn hóa".

Nhân chứng nào sẽ lộ diện?

Chủ nhật vừa qua, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, bang New York) đã gửi một bản đề xuất tới Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell về việc triệu tập 4 quan chức hoặc cựu quan chức Nhà Trắng tới làm chứng trong phiên tòa luận tội.

Các quan chức này bao gồm cả Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.

Tương lai nào chờ đợi ông Trump sau khi bị Hạ viện luận tội? - Ảnh 3.

Từ trái qua phải: Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Quyền Chánh văn phòng Nhà trắng Mick Mulvaney và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

Ông McConnell đã từ chối yêu cầu này và cáo buộc ông Schumer đã đi chệch khỏi tiền lệ trong vụ luận tội Tổng thống Clinton.

Tuy nhiên theo Giáo sư luật Robert Tsai, Chán án Roberts có thể đồng ý yêu cầu của Đảng Dân chủ và triệu tập ông Mulvaney hoặc ông Bolton đến phiên tòa để làm chứng.

Quyết định này của Chánh án Roberts nhiều khả năng sẽ bị một nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối và bị đưa ra biểu quyết theo qui định từ thời Clinton. Trong trường hợp này, Đảng Dân chủ có thể thắng thế nếu họ thuyết phục được một vài nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ Chánh án Roberts.

"Tôi nghĩ đó là điều kịch tính nhất có thể xảy ra trong một phiên tòa luận tội", Giáo sư Robert Tsai nói.

Đức Quyền, Song Ngọc