Tương lai đồng nhân dân tệ sẽ dần trở thành thách thức lớn nhất của đồng USD
Theo Thương báo (Hong Kong) ngày 20/5, thế giới đang chứng kiến những thay đổi “100 năm hiếm có”, đóng góp bằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Vào 10 năm trước không ai tin rằng ô tô năng lượng mới của Trung Quốc có thể đánh bại ô tô chạy bằng nhiên liệu đốt trong.
Tuy nhiên, thực tế là ô tô điện của Trung Quốc đang ngày càng thống trị và thay thế dần ô tô chạy bằng năng lượng truyền thống.
Tương tự, những điều mà hiện nay chúng ta cho rằng không thể xuất hiện, thì 10 năm sau và thậm chí là trong vòng 10 năm tới rất có thể sẽ khiến mọi người ngạc nhiên.
Liên quan tới vấn đề tài chính toàn cầu, có lẽ rất nhiều nhà kinh tế học đã từng khẳng định rằng vai trò thống trị của đồng USD là không thể thay thế. Tuy nhiên, dựa trên thực tế và nhìn về tương lai gần, việc đồng USD mất đi quyền bá chủ và thu hẹp khả năng thanh toán dường như có thể nhìn thấy một cách mơ hồ.
Xét từ bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới hiện nay, quyền thống trị của đồng USD là không thể lung lay. Vẫn chưa xuất hiện bất kỳ đối thủ nào có thể thách thức vị thế của đồng bạc xanh một cách thực sự.
Cho dù xét dưới góc độ là đồng tiền thanh toán quốc tế, đồng tiền dự trữ quốc tế hay trọng số trong giỏ tiền tệ của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì tỷ trọng của đồng USD đều ở vị trí độc quyền tuyệt đối.
Hơn nữa, Mỹ còn trực tiếp kiểm soát IMF, điều này đồng nghĩa với bất cứ thay đổi quan trọng nào của IMF đều phải được sự chấp thuận của Mỹ. Rõ ràng, bất cứ sự thay đổi nào gây nguy hiểm cho quyền thống trị của đồng USD đều sẽ không nhận được sự đồng ý của cường quốc lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán thương mại lớn nhất toàn cầu SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) cũng bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, càng có lý do để tin rằng khó xuất hiện loại tiền tệ nào có thể thay thế đồng USD trong hệ thống thanh toán thương mại quốc tế hiện có.
Ngoài ra, đồng USD vẫn là đồng tiền quốc tế được ưa thích và thừa nhận cao nhất trên toàn cầu, tín dụng và giá trị của "đồng bạc xanh" đã ăn sâu vào cộng đồng quốc tế, có một không hai.
Tóm lại, xét từ mọi khía cạnh, nền tảng và trụ cột quyền thống trị của đồng USD đều vững chắc, ổn định, kiên cố dường như không có gì phá được.
Đồng USD mất đi sự hỗ trợ của nền kinh tế thực
Tuy nhiên, nếu thông qua hiện tượng để đánh giá bản chất của đồng USD thì sẽ có thể thấy một “mặt khác” của đồng tiền này. Hào quang của đồng USD đã không còn như trước, đồng tiền của nước Mỹ đang đối diện với một loạt khó khăn rắc rối bên trong và bên ngoài ngày càng trầm trọng.
Từ góc độ rối ren bên trong, quả thực đồng USD đã mất đi sự hỗ trợ của nền kinh tế thực trong những thập kỷ gần đây, cùng với sự “rỗng ruột” của ngành sản xuất công nghiệp Mỹ không ngừng gia tăng, mức độ bong bóng hóa của nền kinh tế Mỹ ngày càng nghiêm trọng, ngành sản xuất chỉ chiếm khoảng 10% tổng quy mô nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù nền kinh tế bong bóng có thể tô vẻ dữ liệu kinh tế của Mỹ, nhưng nó lại không thể tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kết quả này cuối cùng chắc chắn sẽ truyền đến biểu hiện của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, nợ của Mỹ đang rất lớn với tổng quy mô đã hơn 34.000 tỷ USD. Chi tiêu mà chính phủ Mỹ dùng để thanh toán lợi suất trái phiếu kho bạc hiện nay gần bằng với tổng chi tiêu quân sự. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập ngân sách của chính phủ Mỹ chậm, không xoay xở kịp.
Theo tốc độ mở rộng nợ của chính phủ Mỹ hiện nay thì trong vòng chưa đến 10 năm thu nhập ngân sách của chính phủ Mỹ sẽ khó thanh toán lợi suất trái phiếu kho bạc, khủng hoảng không thể trả nợ trái phiếu kho bạc Mỹ chắc chắn sẽ nổ ra. Khi đó, tín nhiệm của đồng USD sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Tiếp đó, “đấu đá” chính trị giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở Quốc hội, cũng như chia rẻ xã hội Mỹ đang diễn ra ngày càng trầm trọng, hai chính đảng của Mỹ và chính phủ do họ thành lập gây khó và công kích lẫn nhau khiến cho toàn bộ xã hội Mỹ không thể tập trung vào phát triển kinh tế.
Sự suy thoái nhanh chóng của ngành sản xuất Mỹ chính là ví dụ chứng minh. Mặc dù ngành dịch vụ của Mỹ, đặc biệt là ngành tài chính vẫn phát triển mạnh mẽ, nhưng ngành dịch vụ tách khỏi nền kinh tế thực thì chỉ sẽ là nền kinh tế ảo bong bóng càng thổi càng to, đồng thời cũng là nền kinh tế bong bóng dễ bùng phát khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính nhất.
Lỗ hổng lớn tồn tại trong cơ cấu kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên các nhà đầu tư quốc tế, từ đó cũng chắc chắn sẽ hạ thấp niềm tin của dòng vốn quốc tế đầu tư vào Mỹ và nắm giữ đồng USD.
Xét từ nhân tố “mối họa” bên ngoài, xu hướng phi đô la hóa hiện nay được đại diện bởi các nước như Nga, Iran… đang trỗi dậy nhanh chóng, trong bối cảnh làn sóng phi đô la hóa toàn cầu, sức ảnh hưởng và phạm vi ảnh hưởng của đồng USD không còn mạnh mẽ như trước đây. Địa vị quốc tế của đồng USD đang sụt giảm nhanh chóng, đồng thời hình thành xu hướng suy thoái không thể đảo ngược.
Thứ hai, hầu hết các nước trên thế giới bao gồm cả những đồng minh phương Tây của Mỹ đều đang tìm tiếm cách thức mới, để đột phá quyền thống trị của đồng USD. Chẳng hạn thanh toán thương mại giữa các nước châu Âu và các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông đang thực hiện đa dạng hóa tiền tệ.
Ngày càng nhiều các nước Arập và châu Phi kêu gọi thiết lập hệ thống thanh toán thương mại của mình, tránh sử dụng đồng USD.
Mặc dù động thái phi USD hóa của những quốc gia và khu vực này vẫn chưa đủ để gây nên mối đe dọa đối với đồng USD, nhưng tốc độ lan tỏa rất nhanh, chắc chắn sẽ gây nên thách thức lớn cho đồng USD.
Triển vọng của đồng nhân dân tệ
Lực lượng mới – đồng nhân dân tệ - dần trở thành thách thức lớn nhất của đồng USD. Mặc dù quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách khá lớn với Mỹ, nhưng Trung Quốc lại là cường quốc sản xuất lớn nhất toàn cầu và cường quốc thương mại số một thế giới.
Điều càng khiến mọi người mong đợi hơn là quy mô kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ chỉ là vấn đề thời gian, hơn nữa không cần thời gian quá dài.
Xét từ ý nghĩa này, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có nền tảng vững chắc và thực lực mạnh hơn so với đồng USD. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn thấy rằng, Trung Quốc đang hợp tác với ngày càng nhiều nước để xây dựng hệ thống thanh toán thương mại quốc tế, hệ thống tổ chức tài chính quốc tế, thị trường dầu mỏ và thị trường hàng hóa chiến lược… bằng đồng nhân dân tệ bên ngoài hệ thống đồng USD.
Điều này đồng nghĩa với thế giới hiện nay đã tồn tại hai hệ thống tiền tệ thế giới, chỉ có điều thời gian bắt đầu vận hành của hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ chưa được dài, sức ảnh hưởng vẫn chưa đủ lớn.
Tuy nhiên, quy luật phát triển sự vật từ biến đổi về lượng đến biến đổi về chất cho thấy, Trung Quốc không chịu sự kiểm soát của Mỹ và đồng nhân dân tệ không chịu sự trói buộc của đồng USD nhất định sẽ phát triển. Đến một thời điểm nhất định, đồng nhân dân tệ sẽ sánh ngang với đồng USD, trở thành thế lực mới của hệ thống tiền tệ quốc tế.