Sức mạnh của đồng USD khiến thị trường ngỡ ngàng, nhà đầu tư phải đổi chiến lược
Bất ngờ lớn
Các thị trường tài chính thế giới đang phải đối mặt với một thế lực mà họ không ngờ tới trong năm 2024, đó là sức mạnh của đồng bạc xanh.
Khi năm 2024 mới bắt đầu, giới đầu tư cược rằng đồng USD sẽ suy yếu. Tuy nhiên, họ phải thay đổi suy nghĩ vì nền kinh tế tăng trưởng nóng và lạm phát cao đang khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi các nước khác trong nhóm G7. Các cuộc bàn luận về “sự xuất chúng” của Mỹ ngày càng phổ biến, hỗ trợ cho giá trái phiếu và cổ phiếu cũng như làm tăng sức hấp dẫn của USD. Và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, USD vẫn được coi là một trong các hầm trú ẩn an toàn nhất.
Chỉ số USD của Bloomberg đã đi lên hơn 4% trong năm nay, phản ánh việc đồng bạc xanh mạnh lên so với tiền tệ của các quốc gia phát triển và các nước thị trường mới nổi.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai, một thước đo phổ biến về tâm lý của các nhà đầu tư thể hiện sự bi quan vào đầu năm, nhưng sau đó đã chuyển sang hướng lạc quan nhất kể từ năm 2019.
Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, đã thay đổi chiến lược đối với USD và dự đoán đồng bạc xanh sẽ giữ vững sức mạnh trong thời gian dài. UBS Asset Management cũng nhận thấy USD có thể sẽ tiếp tục đi lên dù mức định giá hiện nay đắt hơn 20% so với thông thường.
Viện Đầu tư Wells Fargo hủy bỏ dự báo USD sẽ suy yếu vào cuối năm và hiện cho rằng đà tăng của USD sẽ tiếp diễn cho năm 2025.
Ông Ales Koutny, trưởng bộ phận tỷ giá quốc tế tại Vanguard, nhận xét: “Nếu các nước khác không thể bì với tốc độ tăng trưởng và lạm phát ở Mỹ, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua USD”.
Sự trỗi dậy của USD diễn ra khi một loạt dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tránh được nguy cơ suy thoái. Thị trường lao động tiếp tục tạo ra nhiều việc làm mới và hoạt động sản xuất được mở rộng, gây ra áp lực lạm phát. Kết quả, các nhà hoạch định chính sách của Fed phải chờ lâu hơn dự kiến để hạ lãi suất.
Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, thậm chí còn lên tiếng về khả năng Fed tăng lãi suất trở lại.
USD tăng mạnh gây ra tác động lớn tới những đồng tiền khác, khiến các nhà đầu tư phải tìm cách ứng phó. Ấn Độ, Nigeria và một số nước chứng kiến tỷ giá của họ rơi xuống mức thấp kỷ lục. Giới chức Nhật Bản, Ba Lan cảnh báo sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu cần thiết.
Ngân hàng trung ương tại những nước phát triển như Anh, Australia và khu vực đồng euro sẽ có ít dư địa để hạ lãi suất hơn nếu tỷ giá suy yếu khiến lạm phát trong nước bùng lên.
Nhiều khả năng những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất sẽ là những nước phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hoặc có nợ nước ngoài lớn.
Lợi suất cao
Trong bối cảnh thị trường đã lùi dự báo về thời điểm Fed hạ lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã bật tăng trở lại, leo lên gần mức 5%. Đà tăng của lợi suất là yếu tố chính tạo ra sức hút của USD.
Ngoài ra, đồng bạc xanh cũng được hưởng lợi từ dòng vốn liên tục đổ vào chứng khoán Mỹ để theo đuổi cơn sốt trí tuệ nhân tạo, tờ Bloomberg cho biết.
Trái với tín hiệu từ giới chức Fed, Chủ tịch Christine Lagarde của Ngân hàng Trung ương châu Âu lại báo hiệu các nhà hoạch định chính sách của khu vực này có khả năng sẽ giảm lãi suất trong tháng 6.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thua kém Mỹ đến mức ngay cả quyết định lịch sử là chấm dứt chính sách lãi suất âm cũng không thể ngăn tỷ giá yen so với USD rơi xuống đáy 34 năm.
Ông Ed Al-Hussainy, chuyên gia về lãi suất toàn cầu tại Columbia Threadneedle Investments, bình luận: “Môi trường lãi suất ở Mỹ quá hấp dẫn khi so với những nước khác. Đồng USD đem đến tỷ suất lợi nhuận rất cao”.
Nhu cầu phòng vệ
Bên cạnh đó, đồng USD vẫn được coi là hầm trú ẩn an toàn bậc nhất trong lúc xảy ra bất ổn chính trị hay tài chính. Điều này được thể hiện rõ trong ngày 19/4, USD tăng vọt sau khi Israel phóng tên lửa trả đũa Iran.
Ông Barry Eichengreen, nhà kinh tế thuộc Đại học California, nhận định: “Chừng nào nền kinh tế Mỹ còn mạnh hơn các quốc gia G7 thì USD vẫn sẽ mạnh hơn đồng tiền của các nước G7 khác. Không phải ai cũng hài lòng với điều này, nhưng cũng chẳng ai thay đổi được quy tắc đó”.
Ông Eichengreen không cho là sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ gây ra cuộc đối đầu giữa các quốc gia, nhưng e là những nước đang phát triển đi vay bằng USD sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán nợ.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nghĩ rằng đồng USD mạnh lên có thể là vận may đối với châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Marko Papic, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Clocktower Group, chỉ ra: “USD tăng giá sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi bởi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới thiên về xuất khẩu”.
Và tuy căng thẳng ở Trung Đông tạo ra cú hích mới cho USD, nhiều khả năng sức mạnh của đồng USD sẽ kéo dài hơn hẳn xung đột trong khu vực này.
Bà Carol Kong, chuyên gia tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, bình luận: “Tôi vẫn dự kiến USD là đồng tiền mạnh nhất dù nỗi sợ về xung đột ở Trung Đông phai nhạt. Sự tự chủ của Mỹ về năng lượng và lợi suất cao sẽ giúp USD duy trì sức hút với nhà đầu tư”.