|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phải chăng các đợt tăng lãi suất của Fed là động lực cho nền kinh tế Mỹ bùng nổ và hạ lãi suất là sai lầm?

07:05 | 22/04/2024
Chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lãi suất cao, trong đó có ông David Einhorn, nhà đầu tư giá trị nổi tiếng Phố Wall.

(Hình minh họa: Bankrate). 

Điên rồ hay đúng đắn?

Trái với các cảnh báo suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng trưởng đều đặn từ quý này sang quý khác, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mỗi tháng. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia tên tuổi trên Phố Wall đang bắt đầu suy nghĩ về một lý thuyết kinh tế mới.

Họ tự hỏi phải chăng các đợt tăng lãi suất trong hai năm qua của Fed thực chất đang thúc đẩy nền kinh tế? Nói các khác, có lẽ nền kinh tế Mỹ không bùng nổ bất chấp lãi suất cao mà là nhờ lãi suất cao. Ý tưởng này lạ lùng đến mức trong giới tài chính và học thuật truyền thống, nó gần như là chuyện điên rồ.

Song, các chuyên gia theo đuổi lý thuyết mới cùng với một số người khác cho biết các bằng chứng kinh tế đang trở nên rõ ràng đến mức không thể làm ngơ.

Một số thước đo chính như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp đều cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng ngang bằng hoặc thậm chí mạnh hơn so với khi Fed bắt đầu nâng lãi suất.

Theo lý thuyết mới, việc lãi suất chính sách tăng mạnh từ 0 lên 5% đã đem lại cho người Mỹ nguồn thu nhập đáng kể từ các khoản đầu tư trái phiếu và tài khoản tiết kiệm - lần đầu tiên trong hai thập kỷ.

*Tốc độ tăng trưởng GDP là bình quân của hai quý gần nhất. Dữ liệu về chỉ số S&P là mức đóng cửa ngày 16/4. 

Ông Kevin Muir, cựu chuyên gia chứng khoán phái sinh của RBC Capital Markets, chỉ ra: “Thực tế là hiện nay mọi người có nhiều tiền hơn trước”. Người dân và doanh nghiệp đang tiêu bớt một phần trong số tiền họ mới có được - và số tiền này đủ lớn để thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng kinh tế.

Trong một chu kỳ tăng lãi suất điển hình, khoản chi tiêu bổ sung từ hai nhóm trên thường không đủ để bù đắp sự sụt giảm của nhu cầu từ những người ngừng vay tiền. Đó là nguyên nhân dẫn đến suy thoái và sự hạ nhiệt của lạm phát. 

Ông Muir nói tiếp: “Mọi người đều nghĩ lần này nền kinh tế cũng sẽ tuân theo mô hình đó và xuống dốc. Nhưng tôi không đồng ý. Có lẽ tác động lần này của lãi suất tới nhu cầu cân bằng hơn trước và thậm chí là có tính kích thích nữa”.

Trong số những người tin vào lý thuyết mới như ông Muir, người nổi tiếng nhất là ông David Einhorn, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Greenlight Capital.

Nền móng cho niềm tin của họ là tác động từ mức thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ. Nợ của chính phủ Mỹ đã phình lên 35.000 tỷ USD, gấp đôi quy mô một thập kỷ trước. Điều đó có nghĩa là cùng với sự gia tăng của lãi suất, chính phủ Mỹ phải trả thêm khoảng 50 tỷ USD vào túi các trái chủ mỗi tháng.

Hiện tượng lãi suất tăng kích thích nền kinh tế thay vì kìm hãm đã được nhà kinh tế Warren Mosler nhắc đến nhiều năm trước. Nhưng lời của ông không tạo ra được sự tin tưởng. 

Ông Muir cũng một trong những người đã cười nhạo ông Mosler. Ông cho biết: “Tôi đã nói chuyện này thật điên khùng, chẳng có nghĩa lý gì cả”.Nhưng khi nền kinh tế Mỹ cất cánh sau đại dịch, ông Muir đã phân tích kỹ số liệu và bất ngờ nhận ra rằng ông Mosler đã đúng.

Hạ lãi suất sẽ là vô bổ?

Ông Einhorn, một trong những nhà đầu tư giá trị nổi tiếng nhất Phố Wall, chấp nhận lý thuyết mới sớm hơn ông Muir. Nguyên do là ông nhận thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá chậm dù Fed đã duy trì lãi suất gần 0% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Vị chuyên gia cho rằng tăng lãi suất lên mức cực đoan - ví dụ 8% - sẽ không giúp gì cho nền kinh tế, nhưng tăng lãi suất lên mức vừa phải hơn sẽ có ích.

Ông Einhorn lưu ý các hộ gia đình Mỹ đang có thu nhập từ các tài sản trả lãi suất ngắn hạn trị giá 13.000 tỷ USD. Trong đó, khối nợ tiêu dùng mà họ phải trả lãi chỉ có quy mô 5.000 tỷ USD (không kể nợ vay thế chấp mua nhà). Dựa trên lãi suất hiện nay, ông Einhorn tính ra lợi nhuận ròng mà các hộ gia đình thu được vào khoảng 500 tỷ USD mỗi năm.

Ông Einhorn bày tỏ quan điểm trong chương trình podcast của Bloomberg hồi tháng 2: “Khi lãi suất xuống dưới một ngưỡng nào đó, thực chất chúng lại kìm hãm nền kinh tế”.

Theo nhà kinh tế này, những lời kêu gọi Fed cần hạ lãi suất để ngăn nền kinh tế lao dốc “thực sự kỳ quặc”. Ông nói tiếp: “Tình hình hiện nay khá tốt. Tôi không nghĩ việc Fed giảm lãi suất sẽ giúp được gì cho ai”.

Đa số các nhà kinh tế và nhà đầu tư vẫn một lòng một dạ với quy tắc lâu đời rằng lãi suất gia tăng kiềm chế tăng trưởng.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, đã nói hộ tiếng lòng cho phe truyền thống khi gọi lý thuyết mới là “xa rời căn bản”. Ông viện dẫn yếu tố khác để giải thích cho sự bền bỉ của nền kinh tế.

Trong đại dịch, nhiều người Mỹ đã thỏa thuận được mức lãi suất cố định siêu thấp cho khoản vay mua nhà thời hạn 30 năm, nhờ vậy họ không phải chịu nhiều nỗi đau từ chiến dịch tăng lãi suất của Fed.

 

Ông Bill Eigen, nhà quản lý danh mục trái phiếu tại JPMorgan Chase, không ủng hộ hay phản đối lý thuyết mới. Ông thuộc nhóm những người có thiện cảm với các lập luận chung của ý tưởng này.

Ông Eigen có hai công việc phụ ngoài JPMorgan. Ông vận hành một phòng tập gym và một cửa hàng sửa xe hơi. Ông cho biết khách hàng ở cả hai nơi đang chi nhiều tiền hơn trước, đặc biệt là nhóm người nghỉ hưu.

Theo ông, có lẽ họ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gia tăng lãi suất. Tại Mỹ, các nhà đầu tư lớn tuổi thường để tiền vào trái phiếu. Ông mô tả: “Bỗng chốc, những người này có thêm thu nhập khả dụng. Và họ đang tiêu xài số tiền đó”.

Giang