|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từng huy động hàng chục triệu USD, vì sao ông chủ Món Huế lặng lẽ đóng cửa hàng, bặt vô âm tín?

18:03 | 22/10/2019
Chia sẻ
Theo báo chí đưa tin, hầu hết chi nhánh Món Huế ở TP HCM đã đóng cửa, treo biển thông báo trả mặt bằng và chậm trả nợ nhà cung cấp. Trong khi số nợ cho đến nay của Món Huế vẫn rất nhỏ so với qui mô vốn mà chủ chuỗi nhà hàng này huy động được từ các nhà đầu tư.

Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ cho biết, nhiều cửa hàng Món Huế của hệ thống đồng loạt dừng hoạt động, treo biển thông báo trả mặt bằng. Nhân viên của hệ thống này cho biết họ bị nợ hai tháng lương và đang yêu cầu công ty thanh toán nhưng chưa có kết quả, một số chỉ được trả một phần lương tháng 9.

Trong khi đó, hàng loạt nhà cung cấp cung ứng hàng cho chuỗi Món Huế tố bị chủ doanh nghiệp hệ thống này quá hạn thanh toán tiền hàng lên đến hàng chục tỉ đồng. Đồng thời cho biết văn phòng chính của doanh nghiệp này trống trơn, không liên lạc được với lãnh đạo.

Trước đó, chia sẻ trên mạng xã hội, tài khoản Nguyen Duy Chuong cho biết Công ty Huy Việt Nam - đơn vị sở hữu chuỗi Món Huế đã mua nguyên liệu từ doanh nghiệp của người này nhưng không thanh toán theo đúng hạn hợp đồng.

"Khi chúng tôi gọi điện cho những người có trách nhiệm, không ai bắt máy, văn phòng thì toàn bộ nhân viên nghỉ hết, các chi nhánh Món Huế cũng đóng cửa không hoạt động", người này viết.

cogiangq1

Tài khoản Nguyen Duy Chuong cập nhật danh sách chủ nợ của công ty Huy Việt Nam

Theo danh sách được tài khoản Nguyen Duy Duong cập nhật đến chiều qua, danh sách các nhà cung cấp của Huy Việt Nam là 33 đơn vị với tổng số tiền ước tính 22,9 tỉ đồng, ngoài ra vẫn còn nhiều nhà cung cấp khác và chủ nhà đang bị công ty nợ tiền.

Từng huy động hàng chục triệu USD

Món Huế thuộc sở hữu của công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam. Ngoài Món Huế, Huy Việt Nam còn sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng khác như Phở Hùng, Cơm Thố Cháy, Iki Sushi, House of Phở và Great Bánh Mì, Cơm Express,…

Trong đó, thương hiệu Món Huế ra đời sớm nhất và có độ phủ ở trên cả nước. Vào lúc cao điểm, riêng hệ thống này lên đến 100 chi nhánh, hơn 80 điểm phủ ở TP HCM.

Theo thông tin do Huy Việt Nam công bố, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2006 do ông Huy Nhật và bà Trần Thị Thanh Tâm đồng sáng lập. Cả hai người này đều có cùng địa chỉ đăng kí hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại ở số 42A Nguyễn Thái Bình, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM.

Trong quá trình hoạt động, Huy Việt Nam đã từng kêu gọi vốn rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, ngày 28/9/2014, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công ở vòng Series B với số tiền 15 triệu USD từ các nhà đầu tư Malaysia, Hàn Quốc và Hong Kong. Tại thời điểm này, Huy Việt Nam đã có hơn 40 nhà hàng tại TP HCM với ba thương hiệu Món Huế, Cơm Express và Phở Ông Hùng.

Thông tin từ FinanceAsia cũng cho thấy, lần gần đây nhất vào tháng 4/2015, Huy Việt Nam cũng gọi vốn thành công 15 triệu USD ở vòng Series C từ Quĩ Templeton Asset Management do nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius quản lí.

FinanceAsia cũng thông tin, Huy Việt Nam từng nhận được ba vòng tài trợ vốn cổ phần tư nhân từ các quĩ ngoại (Fortress Capital, IF Capital, New Asia Partners, Welkin Capital,…) với tổng giá trị 65 triệu USD.

Bên cạnh đó, Huy Việt Nam từng nộp hồ sơ IPO ở sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) và dự kiến giao dịch vào đầu năm 2016 với với số vốn huy động khoảng 100 triệu USD.

Với những thông tin trên cho thấy, Huy Việt Nam đã hút được rất nhiều vốn từ các nhà đầu tư. Vì vậy, việc đóng cửa toàn hệ thống cửa hàng này với khoản nợ rất nhỏ so với qui mô vốn đang để lại nhiều dấu hỏi về nguyên nhân đằng sau sự việc này.

75231712_10156373597952096_5770565772250185728_n

Huy Việt Nam từng gọi được 15 triệu USD ở vòng Series C từ Quĩ Templeton Asset Management do nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius quản lí. (Ảnh: Huy Việt Nam)

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, thông thường chi phí phát triển một công ty đạt quy mô như Huy Việt Nam có thể cần vài chục đến trên trăm tỉ đồng, hay nói cách khác, giá trị thương hiệu của những công ty dạng này đã có giá trị vài chục tỉ trở lên...

"Thế nhưng, những ông chủ của Món Huế đã chọn hình thức đóng cửa không trả nợ, mặc nhiên công ty và chuỗi cửa hàng, thương hiệu phải sụp đổ là điều khá lạ. Trong khi những thống kê ban đầu thấy số nợ không quá lớn", vị chuyên gia phân tích.

"Như vậy, hoặc là ông chủ Món Huế đã có số nợ nhà cung cấp rất lớn, hoặc là ông chủ đã nhờ danh tiếng để huy động vốn ngầm làm chuyện khác lên đến vài trăm tỉ nên phải đóng cửa trốn nợ", chuyên gia phân tích.

Một thông tin khác, Ông Dennis Nguyễn, Phó Chủ tịch HĐQT đồng thời là người phụ trách quản lí tài chính của Huy Việt Nam kiêm Chủ tịch New Asia Partners cũng là một cái tên không còn xa lạ. Ông này từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của The Kafe. The KAfe cũng từng nợ tiền nhà cung cấp và nhanh chóng đóng cửa sau khi gọi được vốn.

Một góc độ khác, sự việc này cũng là một bài học lớn với các nhà cung cấp. "Các doanh nghiệp nhỏ và hộ cá thể cần quản trị rủi ro về khoản nợ ở mức ổn định. Đừng vì danh tiếng về tiềm lực của người mua hàng mà cứ cho tăng nợ, đến khi đối tác "bay mất" thì mình lâm vào cảnh phá sản", chuyên gia nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc - Hoàng Trung

Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.