|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 6 - 10/9: Khối ngoại rút ròng hơn 3.100 tỷ đồng trên toàn sàn, xả mạnh cổ phiếu bất động sản

08:00 | 12/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần (6 - 10/9), khối ngoại tiếp tục bán ròng tại HOSE và HNX với giá trị hơn 3.100 tỷ đồng. Điểm tích cực là nhóm ngân hàng đã hút vốn trở lại trong những phiên giao dịch khởi sắc tuần qua.

Đà tăng của VN-Index chậm lại khi chỉ số tiến gần vùng 1.350 điểm

VN-Index đóng cửa tuần thứ 37 của năm 2021 với 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm điểm. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 2/9, chỉ số bật tăng khá mạnh và vượt ngưỡng 1.340 vào thứ Hai (6/9).

Tuy vậy, xu hướng tăng điểm có phần giằng co khi chỉ số áp sát vùng 1.350 điểm. Theo đó, chỉ số có hai phiên giảm nhẹ trước khi hồi phục trở lại trong hai phiên cuối tuần.

Đóng cửa tuần, VN-Index có thêm 21,45 điểm, tăng 0,8% so với tuần trước đó và dừng tại mốc 1.345,31 điểm. Khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 1,93% lên 350,05 điểm, còn UPCoM-Index đóng cửa tuần ở 95,41 điểm, tăng 1,49%.

Thanh khoản tuần này nhìn chung tương đương với mức trung bình của các tuần trước với thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 22.491 tỷ đồng.

Tuần 6 - 10/9: Khối ngoại - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Thống kê giao dịch tại HOSE, khối ngoại có tuần bán ròng xuyên suốt trong 5 phiên giao dịch với tổng giá trị 2.865 tỷ đồng. Trên HNX, hối ngoại cũng rút ròng hơn 333 tỷ đồng, còn giao dịch tại UPCoM có phần tích cực hơn với 77 tỷ đồng mua ròng.

Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán ròng nhiều nhất với tổng giá trị bán ròng đạt trên 2.420 tỷ đồng. Nhóm dịch vụ tài chính và thực phẩm cũng chịu áp lực bán ròng lần lượt 511 tỷ đồng và 430 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, cổ phiếu của các nhà băng trở lại thu hút dòng tiền với 547 tỷ đồng mua ròng. Nối tiếp, dòng vốn ngoại rót ròng hơn 164 tỷ đồng vào nhóm kim loại (trong đó chủ yếu là cổ phiếu thép).

Tại sàn HOSE, lực xả chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khối ngoại bán ròng hơn 2.865 tỷ đồng

Lũy kế trong tuần, tổng quy mô rút vốn trên HOSE là 2.865 tỷ đồng, trong đó 2.644 tỷ đồng được thực hiện qua phương thức khớp lệnh. Dòng tiền ngoại vẫn rút ròng mạnh nhất khỏi nhóm bất động sản.

Cụ thể, đại diện VHM của CTCP Vinhomes là mã chịu áp lực xả ròng lớn nhất trong tuần với 1.821 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 16,7 triệu đơn vị. 

Lực xả giá tăng so với những tuần trước ngay sát ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiếu năm 2020 của VHM với tỷ lệ 45%, vào ngày 15/9 tới đây.

Cũng thuộc nhóm Vingroup, cổ phiếu VIC chịu chung áp lực bán ròng 440 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch dù mới đây, cả VIC và VHM đều báo lãi ròng tăng lần lượt 238 tỷ đồng và 289 tỷ đồng sau khi công bố báo cáo tài chính soát xét.

Theo sau, dòng tiền ngoại rút ròng khỏi SSI (459 tỷ đồng). Đáng chú ý, cổ phiếu SSI đã tăng kịch trần trong hai ngày 7/9 và 8/9 sau khi công ty chứng khoán này công bố lãi trước thuế công ty mẹ sau 8 tháng đầu năm đạt 1.872 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. Tính riêng trong phiên 7/9, khối ngoại xả ròng hơn 4 triệu đơn vị cp SSI.

Một số đại diện bị bán ròng trong kỳ còn có VNM (352 tỷ đồng), MSN (195 tỷ đồng), NVL (99 tỷ đồng),....

Mới đây vào rạng sáng 11/9, MVIS đã công bố cơ cấu danh mục kỳ đánh giá định kỳ quý III/2021 đối với chỉ số MVIS Vietnam Index, theo đó VNM và 8 cổ phiếu Việt Nam khác đã được thêm mới vào danh mục.

Tuần 6 - 10/9: Khối ngoại - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại bên mua ròng, dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần nhóm này chuyển biến tích cực trở lại. Các đại diện được mua ròng chủ yếu gồm có CTG của Vietinbank (195 tỷ đồng), MBB của MBBank (191 tỷ đồng), VCB của Vietcombank (157 tỷ đồng), LPB của LienVietPostBank(45 tỷ đồng)...

Theo sau, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân ròng 169 tỷ đồng vào mã HSG của Hoa Sen Group, đồng thời mua ròng nhẹ hơn các mã VND, VCI, PHR, DCM...

Trên sàn HNX, khối ngoại quay lại bán ròng chủ yếu sau giao dịch thỏa thuận mã API

Sau tuần mua ròng nhẹ, khối ngoại quay lại vị thế bán ròng hơn 333 tỷ đồng tại HNX, chủ yếu từ giao dịch lượng lớn cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, mã này bị xả ròng hơn 286 tỷ đồng, tương đương hơn 12,7 triệu đơn vị. Giao dịch được thực hiện chủ yếu trong ngày 9/9, khi sàn HNX ghi nhận loạt giao dịch thỏa thuận API tại mức giá 22.500 đồng/cp, tương ứng hơn 286,7 tỷ đồng. Ghi nhận trong tuần, API đã tăng giá trong 4/5 phiên, thậm chí tăng trần trong 2 phiên cuối tuần.

Cùng chiều, khối ngoại rút ròng khỏi PMC (42,5 tỷ đồng), VKC (20,2 tỷ đồng), NVB (5,9 tỷ đồng), PVS (5,5 tỷ đồng). Đáng chú ý, mã VKC đã liên tục tăng trần trong 7 phiên mặc dù nhiều lãnh đạo đồng thời đăng ký bán ra cổ phiếu.

Tuần 6 - 10/9: Khối ngoại - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở phía mua ròng, giao dịch không ghi nhận đột biến khi không có cổ phiếu dẫn dắt lực cầu. Nhìn chung, khối ngoại phân bổ dòng tiền vào một số mã như VCS, EID, SHS, THD...

Với việc THD và SHS được thêm mới vào MVIS Vietnam Index, các quỹ ngoại dự kiến sẽ mua vào hai mã này trong tuần tới để đạt được tỷ lệ nắm giữ mới trong kỳ cơ cấu danh mục quý III.

Tại UPCoM: Tiếp tục xu hướng mua ròng hơn 77 tỷ đồng

Giao dịch trên UPCoM vẫn trái ngược với phần còn lại của thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng hơn 77 tỷ đồng tại UPCoM, với tâm điểm mua ròng là nhóm vận tải và viễn thông.

Cổ phiếu ACV của Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam được rót vốn ròng hơn 41,5 tỷ đồng, thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại trong tuần. Lực cầu xuất hiện trở lại sau khi Chính phủ phát đi những tín hiệu dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, mở ra khả năng phục hồi hoạt động giao thương kinh tế.

Nối tiếp, các mã được mua ròng chủ yếu là CTR (15,8 tỷ đồng), VTP (14,7 tỷ đồng), CLX (7,5 tỷ đồng)...

Tuần 6 - 10/9: Khối ngoại - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều bán, cổ phiếu VRG của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam bị rút ròng mạnh nhất 12 tỷ đồng. Theo sau, BSR của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn cũng bị bán ròng 11,1 tỷ đồng. 

Các cổ phiếu chịu áp lực xả ròng nhẹ hơn còn có QNS, GHC, DT1...

Thảo Bùi