Tuần 6 - 10/9: Tự doanh đảo chiều mua ròng, tâm điểm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán
VN-Index tiếp tục ghi nhận một tuần tăng điểm, nhưng đà tăng có phần chậm dần khi chỉ số tiến gần hơn vùng 1.350 điểm. Cụ thể, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, VN-Index đã bật tăng khá mạnh và vượt ngưỡng 1.340 trong phiên ngày thứ Hai (6/9).
Tuy nhiên đà tăng đã suy yếu đáng kể trong các phiên còn lại của tuần với trạng thái giao dịch giằng co quanh ngưỡng 1.335 - 1.345 điểm. Theo đó, chỉ số có hai phiên giảm trong ngày thứ Ba (7/9) và thứ Tư (8/9) trước khi hồi phục trở lại trong hai phiên cuối tuần.
Xét theo quy mô vốn hóa thì giao dịch giữa các nhóm cổ phiếu cũng khá phân hóa khi các mã trụ nhìn chung chỉ lình xình đi ngang hoặc tăng nhẹ trong khi khá nhiều mã vốn hóa nhỏ tăng mạnh.
Thanh khoản trong tuần này tăng mạnh so với tuần trước là vì thị trường nghỉ giao dịch hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần trước (2 - 3/9), và mức thanh khoản tuần này nhìn chung không chênh lệch nhiều so với mức trung bình của các tuần trước nữa.
Đóng cửa tuần, VN-Index có thêm 21,45 điểm, tăng 0,8% so với tuần trước đó và dừng tại mốc 1.345,31 điểm. Khởi sắc hơn, HNX-Index bật tăng 1,93% lên 350,05 điểm, trong khi UPCoM-Index đóng cửa tuần ở 95,41 điểm, tăng 1,49%.
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này mua ròng 4/5 phiên trong tuần qua với tổng giá trị gần 165 tỷ đồng. Về giao dịch cụ thể, nhóm này mua vào tổng cộng 1.587 tỷ trong khi bán ra 1.423 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động giải ngân của khối tự doanh vẫn khá dè dặt nhưng việc xuống tiền nâng đỡ thị trường đã góp thêm những mảng sáng trong giai đoạn thị trường phân hóa mạnh. Mặt khác, NĐT cá nhân cũng không còn 'đơn độc' trong nỗ lực gồng đỡ thị trường. Tuần qua, nhóm này đã gom ròng hơn 4.620 tỷ đồng, dòng tiền cá nhân trở thành bên hấp thụ chính lực cung từ khối ngoại và các tổ chức trong nước.
Tự doanh chưa ngừng xả cổ phiếu ngân hàng
Theo thống kê từ Fiinpro, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 238 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cải thiện khi số ngành được mua ròng tăng từ 4 lên 7 nhóm trong tuần 6 - 10/9.
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu dịch vụ tài chính với đại diện là nhóm chứng khoán tiếp tục được tự doanh mua ròng nhiều nhất tuần này. Giá trị mua ròng khớp lệnh tại nhóm này đạt 248,3 tỷ đồng. Tuần trước đó, khối tự doanh cũng gom ròng 276,1 tỷ đồng cổ phiếu nhóm này.
Mặt khác, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục rót tiền cho nhóm tài nguyên cơ bản (47,3 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (27,7 tỷ đồng), ô tô phụ tùng (0,4 tỷ đồng).
Đáng chú ý, tuần qua chứng kiến sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm bất động sản, họ tập trung mua ròng 196,1 tỷ thay vì rút ròng 6,3 tỷ đồng tuần trước đó.
Bên phía bán ròng, cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối tự doanh, tuy nhiên quy mô rút vốn đã thu hẹp đáng kể. Về giá trị cụ thể, khối này rút ròng 112,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, giảm 62% so với tuần trước đó.
Cùng chiều, dòng vốn tự doanh tiếp tục rút khỏi nhóm công nghệ thông tin (58,3 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (47,3 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (36,5 tỷ đồng) và bán lẻ (32,5) tỷ đồng.
Tự doanh tập trung gom hơn trăm tỷ VHM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND
Giao dịch cụ thể theo từng mã, VHM dẫn đầu về giá trị mua ròng trong tuần này với hơn 157 tỷ đồng. Không riêng gì tự doanh, cổ phiếu của Vinhomes cũng được NĐT cá nhân mua ròng mạnh nhất trong tuần với tổng giá trị gần 3.100 tỷ đồng.
Giao dịch nhộn nhịp trở lại tại VHM diễn ra sau thông báo trả cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 45%. Theo đó, Vinhomes thông báo ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2020 là ngày 16/9 tới đây. Ngày thanh toán dự kiến là ngày 1/10.
Đối ứng với lực cầu tư bộ phận tự doanh và cá nhân trong nước là lực xả đến từ khối ngoại và tổ chức nội trong tuần qua. Nhìn chung, giao dịch tại VHM vẫn xoay quanh câu chuyện thoái vốn của cổ đông lớn.
Theo sau VHM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được khối tự doanh gom ròng hơn trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền tự doanh cũng hướng đến chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với 12,6 tỷ đồng.
Khối tự doanh còn rót tiền cho các nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như SSI (96,7 tỷ đồng), NKG (41,4 tỷ đồng), MSN (40,7 tỷ đồng), VRE (35,2 tỷ đồng), KDH (15,8 tỷ đồng), NVL (13,1 tỷ đồng) và HPG (10,7 tỷ đồng).
Ở chiều rút vốn, không mã nào ghi nhận giá trị bán ròng trên trăm tỷ đồng. Cổ phiếu FPT dẫn đầu trong top 10 mã bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với giá trị 58,2 tỷ đồng.
Kế đó, cổ phiếu BCG của Bamboo Capital bị xả ròng 43,9 tỷ đồng. Sau nhịp tăng mạnh từ giữa tháng 7 và lập đỉnh tại mốc 20.150 đồng/cp trong phiên 6/9, áp lực chốt lời dâng cao đẩy giá cổ phiếu BCG giảm sàn trong phiên 7/9 và hiện mã này đang neo tại vùng giá 18.600 đồng/cp.
Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi các mã ngân hàng như TCB (32,7 tỷ đồng), ACB (25,8 tỷ đồng), LPB (15,2 tỷ đồng). Bên phía bán ròng còn có sự góp mặt của MWG (32,5 tỷ đồng), PNJ (23,5 tỷ đồng), GMD (18,8 tỷ đồng), NLG (17 tỷ đồng) và REE (16,9 tỷ đồng).