Tuần 27/9 - 1/10: Tổ chức trong nước gom hơn 1.000 tỷ, tâm điểm HPG và VHM
Tổ chức trong nước nổi lên là trụ đỡ chính của thị trường
Sau nỗi lo về sự việc Evergrande, thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục đón nhận thông tin GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%. Thông tin trên đã kéo theo nỗi lo về kết quả kinh doanh quý III của phần lớn các ngành nghề quan trọng trên thị trường sẽ sụt giảm.
VN-Index đã để mất gần 30 điểm trong phiên đầu tuần, sau khi chạm vùng thấp nhất trong tuần tại 1.316, chỉ số đã có nhịp hồi phục nhưng không thể vượt qua ngưỡng 1.350 và chốt tuần tại 1.334,89. So với mức đóng cửa của tuần trước, VN-Index giảm 16,28 điểm tương ứng mức giảm 1,2%.
Theo quan sát, hai tuần gần đây, VN-Index đang có cùng một kịch bản biến động đó là giảm trong phiên đầu tuần trước tin xấu, sau đó hồi phục trong những phiên còn lại. Liên tục tạo các đỉnh và đáy thấp hơn trong hai tuần qua, VN-Index đã rơi vào xu hướng giảm điểm ngắn hạn với mức biến động hẹp.
Trong khi nhiều ngành chịu ảnh hưởng trong quý III/2021 dẫn đến việc các cổ phiếu bị bán mạnh trong tuần thì nhóm cổ phiếu dầu khí lại có diễn biến tích cực. Trong tuần, cổ phiếu họ dầu khí và khí đốt ghi nhận biến động tích cực khi nhiều bluechip ngành này tăng trên 10% như GAS, PVD, một số midcap của ngành như CNG, PVG, PGS thậm chí còn tăng đến hơn 20%.
Trong tuần VN-Index diễn biến lình xình, tổ chức trong nước nổi lên là bên mua ròng lớn nhất thị trường với giá trị gom ròng cả tuần đạt 832 tỷ. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rót ròng 1.014 tỷ đồng vào thị trường. Lực cầu mạnh từ tổ chức nội bất ngờ trở thành điểm tựa của thị trường tuần qua khi NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng sau chuỗi mua gom.
Nhóm bất động sản và thép thu hút dòng tiền tổ chức nội
Theo thống kê từ Fiinpro, dòng tiền đầu tư của tổ chức nội ghi nhận cải thiện trong tuần 27/9 - 1/10 với với 14/18 ngành được mua ròng.
Sau chuỗi bán ròng từ cuối tháng 8, NĐT tổ chức trong nước bất ngờ đảo chiều mua ròng 438 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Đây cũng là ngành được tổ chức nội giải ngân mạnh nhất tuần qua dù giá cổ phiếu bất động sản tuần qua chưa có nhiều sức bật trong tương quan với các nhóm ngành khác.
Ngành được mua ròng mạnh thứ hai là tài nguyên cơ bản với đại diện là cổ phiếu thép. Hoạt động gom cổ phiếu thép vẫn được duy trì trong nhiều tuần gần đây, quy mô mua ròng tăng mạnh lên 425 tỷ từ 49 tỷ đồng tuần trước đó.
Ngoài ra, dòng tiền từ các tổ chức trong nước còn tìm đến các ngành ngân hàng (198 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (85,6 tỷ đồng), hóa chất (35,3 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, tổ chức nội tập trung xả cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính và điện, nước & xăng dầu khí đốt. Trong đó, nhóm dịch vụ tài chính bị rút ròng mạnh nhất với giá trị 243 tỷ đồng. Quan sát cho thấy, có sự thay đổi vị thế giao dịch của tổ chức trong nước ở ngành này khi họ mua ròng liên tục hai tuần trước đó.
Mặt khác, tổ chức trong nước cũng có động thái chốt lời ngành điện, nước & xăng dầu khí đốt trong bối cảnh giá cổ phiếu giao dịch khởi sắc.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu điện, nước, xăng dầu khí đốt tăng mạnh 9,83% trong tuần chủ yếu là do nhóm khí kéo giá, với kỳ vọng giá khí tăng trên cả thị trường quốc tế và thị trường trong nước do đứt gãy cung cầu sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này. Top cổ phiếu tăng trong tuần có MTH, PGD, ASP, PTH, PVG, GCB, CNG, với tỷ lệ tăng từ 10% đến 37,6%.
Tập trung gom HPG, VHM
Danh mục mua ròng tuần qua nổi trội với hoạt động giải ngân vào HPG (347,9 tỷ đồng) và VHM (329,5 tỷ đồng). Giá trị vào ròng của hai mã này bỏ xa những cổ phiếu còn lại trong Top10 mua ròng tuần này.
Cùng thuộc nhóm thép, HSG được NĐT tổ chức trong nước rót ròng 85,3 tỷ đồng. Tuần vừa qua giao dịch nhóm thép ghi nhận phân hóa khi HPG tăng 3,7% với khối lượng giao dịch tăng mạnh sau khi giá cổ phiếu 'break' vùng 53.000 đồng/cp. Trong khi đó, HSG đứng im và NKG giảm 1,67%.
Dòng vốn tổ chức nội cũng giải ngân vào nhiều cổ phiếu khác như HDG (78,6 tỷ đồng), VNM (64,9 tỷ đồng), TPB (60 tỷ đồng), TCB (57,5 tỷ đồng), KBC (54,8 tỷ đồng), ACB (50,5 tỷ đồng) và FPT (47,4 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FIT của Tập đoàn F.I.T bị NĐT tổ chức trong nước xả mạnh nhất với giá trị gần 125 tỷ đồng. Trong đó, bên hấp thụ toàn bộ là NĐT cá nhân trong nước.
Liên quan đến giao dịch FIT, vừa qua CTCP Đầu tư Dũng Tâm đăng ký bán 50 triệu cổ phiếu FIT để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 29/9 đến ngày 28/10/2021. Nếu giao dịch thành công, Dũng Tâm chỉ còn nắm giữ gần 80 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 31,37%.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, các cổ phiếu DIG và NT2 ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt là 94,5 tỷ và 59,8 tỷ đồng. Cùng chiều, danh mục thoái ròng còn có sự góp mặt của một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán như SSI, CTG, HCM, OCB với giá trị thấp hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/