|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh có tuần mua ròng thứ tư liên tiếp, tập trung gom E1VFVN30 trong khi bán ròng loạt bluechips

15:17 | 02/10/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index đánh mất sắc xanh với dòng tiền suy yếu, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò nâng đỡ khi duy trì mua ròng nhẹ với giá trị 59 tỷ đồng. Trong đó họ gom ròng 187 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

VN-Index trải qua một tuần với diễn biến giằng co trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Dòng tiền vẫn khá dè dặt và chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường, thể hiện qua khối lượng giao dịch thấp cả về giá trị và khối lượng.

Những biến động mạnh và tiêu cực của các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới như Dow Jones, S&P 500, Nikkei 225… khiến VN-Index lao dốc ngay phiên đầu tuần (27/9).

Tuy vậy, tác động trước mắt của các yếu tố này đến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không quá lớn, khi mà nhóm cổ phiếu khí đốt và dầu khí (GAS, PLX…) ghi nhận một tuần tăng điểm, còn nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản hầu hết đều giảm nhẹ và vẫn chưa thể thoát ra khỏi xu hướng đi xuống vốn đã diễn ra trong những tháng gần đây.

Thanh khoản thị trường trong tuần trên cả ba sàn nhìn chung không thay đổi nhiều cả về giá trị và khối lượng giao dịch. Đóng cửa tuần, VN Index giảm 16,28 điểm (1,20%) dừng chân tại 1.334,89 điểm, HNX-Index giảm 0,87% về mức 356,49, UPCoM-Index giảm 2,1% còn 95,98 điểm.

Trong tuần VN-Index đánh mất sắc xanh với dòng tiền suy yếu, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò nâng đỡ khi duy trì mua ròng nhẹ với giá trị 59 tỷ đồng. Trong đó họ gom ròng 187 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Tự doanh có tuần mua ròng thứ tư liên tiếp,  - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tuần từ 27/9 - 1/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tập trung bán ròng nhóm điện, nước, xăng dầu, khí đốt

Tuần vừa qua, nhóm dịch vụ tài chính với đại diện là dòng chứng khoán tiếp tục dẫn đầu trong danh mục giải ngân của khối tự doanh với giá trị 74,8 tỷ đồng, dù quy mô đã giảm đáng kể so với hai tuần trước đó. Tương tự, khối này cũng duy trì mua ròng 35,9 tỷ đồng cổ phiếu ngành thực phẩm & đồ uống.

Tại nhóm bất động sản, tự doanh trở lại gom ròng 68,6 tỷ đồng tuần này bất chấp sự điều chỉnh chung của cổ phiếu các doanh nghiệp địa ốc. Vị thế giao dịch của khối tự doanh cũng thay đổi ở nhóm xây dựng & vật liệu, bán lẻ khi họ trở lại rót vốn vớn giá trị vào ròng lần lượt là 56,8 tỷ và 49,3 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, ngành điện, nước, xăng dầu, khí đốt là điểm sáng giao dịch tuần vừa qua, bên cạnh cổ phiếu họ dầu khí. Nhóm cổ phiếu điện, nước, xăng dầu, khí đốt tăng mạnh 9,83% trong tuần chủ yếu là do nhóm khí kéo giá, với kỳ vọng giá khí tăng trên cả thị trường quốc tế và thị trường trong nước do đứt gãy cung cầu sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này.

Tuy nhiên, khối tự doanh lại có động thái chốt lời mạnh cổ phiếu nhóm này với giá trị bán ròng cao nhất là 39 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền tự doanh cũng rút khỏi các ngành ngân hàng, tài nguyên cơ bản.

Tự doanh có tuần mua ròng thứ tư liên tiếp,  - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong tuần 27/9 - 1/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh gom ròng trên trăm tỷ CCQ E1VFVN30, tập trung xả nhiều bluechips

Giao dịch cụ thể theo từng mã, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu về giá trị vào ròng trong tuần qua với hơn 101,2 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được tự doanh mạnh tay gom ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần VN-Index chịu áp lực điều chỉnh.

Tại thị trường cổ phiếu, mã KOS của Kosy đứng vị trí thứ hai với gần 2,5 triệu đơn vị được mua ròng, tương đương tổng giá trị giao dịch là 75 tỷ đồng và chủ yếu thực hiện qua phương thức thỏa thuận.

Liên quan đến giao dịch KOS, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQ Kosy vừa thông báo đăng ký mua hơn 36,23 triệu cổ phiếu KOS để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 6/10 đến ngày 4/11. Nếu mua vào thành công lượng cổ phiếu trên, ông Cường sẽ nâng tổng lượng sở hữu từ hơn 44,4 triệu lên trên 80,64 triệu đơn vị, tương ứng 48,86% vốn điều lệ của Kosy.

Trở lại với giao dịch khối tự doanh, nhóm này tập trung giải ngân vào KDH (55,6 tỷ đồng), MWG (52,8 tỷ đồng), MSN (50,5 tỷ đồng) và FPT (13,9 tỷ đồng). Danh mục được khổi này tích cực gom mua còn có sự xuất hiện của một số midcap như HT1 (20,9 tỷ đồng), CII (15 tỷ đồng) và NLG (12,1 tỷ đồng).

Tự doanh có tuần mua ròng thứ tư liên tiếp, tập trung gom E1VFVN30 trong khi bán ròng loạt bluechips - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 27/9 - 1/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp)

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GEX của họ Gelex bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 122,4 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu được thực hiện qua kênh thỏa thuận với khoảng 5,1 triệu cổ phiếu trao tay.

Thống kê cho thấy giao dịch rút vốn của khối tự doanh tập trung phần lớn ở các cổ phiếu bluechips. Theo đó trong Top10 mã bị nhóm này bán ròng có tới 8 đại diện thuộc rổ VN30. 

Cụ thể, dòng vốn tự doanh lần lượt rút khỏi VHM (49,6 tỷ đồng), POW (31 tỷ đồng), TCB (28,1 tỷ đồng), STB (27,2 tỷ đồng), FUEVFVND (23,1 tỷ đồng), HPG (13,6 tỷ đồng), BVH (12,2 tỷ đồng), VIC (12,1 tỷ đồng) và PLX (9,7 tỷ đồng).

Hoạt động bán ròng FUVFVND cũng là giao dịch đáng chú ý trong tuần qua khi mã này liên tục giữ vị trí quán quân trong danh mục các mã được khối tự doanh mua ròng trong thời gian gần đây. 

Tính từ đầu tháng 9, bộ phận tự doanh đã gom gần 660 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm thì chứng chỉ quỹ của quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN DIAMOND bị rút ròng mạnh nhất với hơn 2.500 tỷ đồng.

Thu Thảo