|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 23 - 27/8: Tổ chức trong nước xuống tiền bắt đáy cổ phiếu ngân hàng, gom hơn 300 tỷ đồng mã CTG

09:51 | 30/08/2021
Chia sẻ
Mặc dù là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index, cổ phiếu của các nhà băng đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 467 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm được tổ chức nội gom ròng mạnh nhất trong tuần 23 - 27/8, bất chấp áp lực rút vốn từ cá nhân trong nước, khối tự doanh và NĐT ngoại.

Thị trường khởi đầu tuần 23 - 27/8 với phiên giảm hơn 30 điểm và tiếp theo sau đó là hai phiên hồi phục với mức thanh khoản thấp nhất tháng 8. Tâm lý thận trọng đã được thể trong phiên ngày 26/8 khi VN-Index không thể tiếp tục hồi phục và quay đầu giảm điểm.

Khi nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra bi quan và chuẩn bị tâm lý cho nhịp giảm tiếp theo thì chỉ số sàn HOSE bất ngờ đảo chiều hồi phục tốt trong phiên cuối tuần kèm thanh khoản cải thiện. Với mức tăng hơn 12 điểm trong phiên thứ Sáu, VN-Index chốt tuần ở 1.313,2 điểm, giảm 16,23 điểm (1,3%) so với mức đóng cửa tuần trước.

Trong bối cảnh thị trường gặp khó ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ như dược phẩm, cảng biển, điện, nước...

Nhóm ngân hàng cùng họ Vingroup là gánh nặng lớn nhất của thị trường trong tuần vừa qua. Cụ thể, trong 10 mã tác động tiêu cực nhất lên VN-Index có tới 8 đại diện thuộc nhóm ngân hàng. Tổng cộng nhóm này đã kéo VN-Index giảm 13,5 điểm trong tuần.

Xét từng cổ phiếu đơn lẻ thì VIC là mã ảnh hưởng xấu nhất lên chỉ số, với mức giảm 3%, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã kéo VN-Index giảm 3 điểm. Tại chiều tăng điểm, GVR dẫn đầu tuy nhiên chỉ giúp VN-Index tăng 1,1 điểm.

Thống kê giao dịch khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư, tổ chức trong nước chuyển vị thế mua ròng gần 1.200 tỷ đồng, đóng vai trò là trụ đỡ của thị trường trong tuần 23 - 27/8. 

Tuần 23 - 27/8: Tổ chức trong nước xuống tiền bắt đáy cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền bắt đáy

Mặc dù là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index, cổ phiếu của các nhà băng đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 467 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm được tổ chức nội gom ròng mạnh nhất trong tuần 23 - 27/8, bất chấp áp lực rút vốn từ cá nhân trong nước, khối tự doanh và NĐT ngoại.

Việc xuống tiền gom cổ phiếu ngân hàng khi giá cổ phiếu liên tục chỉnh sâu và đang giao dịch quanh vùng giá thấp nhất tháng 7 cho thấy tổ chức nội đang có động thái bắt đáy nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dịch vụ tài chính (đại diện là nhóm chứng khoán) và tài nguyên cơ bản (thép) với giá trị vào ròng lần lượt là 302 tỷ và 270 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào nhóm bất động sản với 164 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế giao dịch của tổ chức trong nước ở nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp địa ốc, họ trở lại mua ròng thay vì bán ròng đột biến hơn 2.720 tỷ đồng tuần trước đó.

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục xả cổ phiếu nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị hơn 209 tỷ đồng. Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm xây dựng & vật liệu, dầu khí, ô tô và phụ tùng, hàng cá nhân & gia dụng.

Tuần 23 - 27/8: Tổ chức trong nước xuống tiền bắt đáy cổ phiếu ngân hàng, gom hơn 300 tỷ đồng mã CTG - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức nội theo nhóm ngành trong tuần 23 - 27/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức nội gom mạnh CTG, chưa ngừng xả DIG

Tuần 23 - 27/8: Tổ chức trong nước xuống tiền bắt đáy cổ phiếu ngân hàng, gom hơn 300 tỷ đồng mã CTG - Ảnh 3.

Cổ phiếu CTG thu hút dòng tiền từ các tổ chức nội khi giá cổ phiếu đang ở vùng đáy ngắn hạn tháng 7. (Ảnh: Thu Thảo).

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu CTG của VietinBank dẫn đầu Top10 cổ phiếu được mua ròng với giá trị 310 tỷ đồng. CTG là một trong 10 cổ phiếu nhà băng chỉnh sâu nhất tuần qua với tỷ lệ mất giá là 4,7%, đóng cửa phiên cuối tuần lại 31.150 đồng/cp.

Ngày 25/8 vừa qua, hơn 1,08 tỷ cổ phiếu CTG đã giao dịch bổ sung. Trước thời điểm chốt quyền chia cổ tức tỷ lệ 29%, giá mã CTG lên vùng đỉnh trên 54.000 đồng/cp, tương ứng với mức giá điều chỉnh khoảng 42.000 đồng/cp. Như vậy, sau khi cổ phiếu phát hành trả cổ tức về tài khoản của nhà đầu tư, thị giá mã này đã bốc hơi 26% về giá trị.

Ngoài ra, tổ chức nội còn mua ròng một số cổ phiếu ngân hàng khác như MBB (149 tỷ đồng), VPB (113 tỷ đồng) và TCB (87 tỷ đồng). Hoạt động mua ròng còn diễn ra tại một số cổ phiếu bluechips như VJC (286 tỷ đồng), SSI (279 tỷ đồng), VHM (236 tỷ đồng), HPG (138 tỷ đồng), VIC (136 tỷ đồng) và VNM (107 tỷ đồng).

Đáng chú ý, cổ phiếu VHM được các tổ chức trong nước mua ròng trở lại sau ba tuần bị bán ròng trước đó.

Tuần 23 - 27/8: Tổ chức trong nước xuống tiền bắt đáy cổ phiếu ngân hàng, gom hơn 300 tỷ đồng mã CTG - Ảnh 4.

Top10 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 23 - 27/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại chiều bán ra, cổ phiếu DIG của DIC Corp chịu áp lực xả lớn nhất từ các tổ chức nội tuần vừa qua. Cụ thể, mã này tiếp tục bị bán ròng 274 tỷ đồng bất chấp những tín hiệu khởi sắc trên thị trường. Giá cổ phiếu có nhịp tăng nhẹ 3,7% lên 33.700 đồng/cp sau tuần điều chỉnh trước đó.

Kế đến, các cổ phiếu APH, SSB và IJC ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt là 200 tỷ, 163 tỷ và 140 tỷ đồng. Cùng chiều, các mã bị rút ròng dưới trăm tỷ đồng gồm CII, HAH, MHC, KBC và PVT.

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.