Dòng tiền thông minh 30/8: Khối tự doanh CTCK đảo chiều mua ròng cuối tuần qua kênh khớp lệnh, tâm điểm MWG, HPG và VHM
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên cuối tuần (27/8) phục hồi thành công nhờ đóng góp nổi bật của nhóm cổ phiếu họ Vingroup và một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác, trong khi nhóm ngân hàng có sự phân hóa.
Đóng cửa phiên 27/8, VN-Index tăng 12,08 điểm (0,93%) lên 1.313,2 điểm, bên cạnh đó VN30-Index cũng tăng 6,12 điểm lên 1.418,57 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 260 mã tăng/115 mã giảm, ở rổ VN30 có 21 mã tăng và 8 mã giảm.
Thanh khoản đã tăng trở lại và độ rộng thị trường cũng rất tích cực, dòng tiền tiếp tục hoạt động sôi nổi ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn tăng 17,3% so với phiên trước đó, đạt gần 26.100 tỷ đồng. Trong đó thanh khoản trên HOSE là 21.233 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường khi có 17/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm y tế, hóa chất và bảo hiểm. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp, xây dựng và vật liệu, và giảm tại nhóm chứng khoán, bất động sản.
Trong phiên VN-Index ngược dòng thành công, các tổ chức trong nước là bên duy nhất xuống tiền nâng đỡ thị trường, bất chấp áp lực bán ra của tự doanh, cá nhân trong nước và khối ngoại.
Tự doanh mua ròng hơn 200 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, vị thế giao dịch nghiêng nhẹ về bên bán với giá trị rút ròng 0,4 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 203,2 tỷ đồng.
Cụ thể, tự doanh mua ròng 8/18 ngành và hai nhóm mua ròng mạnh nhất là bất động sản, bán lẻ. Top10 cổ phiếu được nhóm này mua ròng phiên cuối tuần gồm MWG, HPG, VHM, FPT, VRE, VIC, PNJ, KDH, NVL, TCB.
Ngược lại, cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính chịu áp lực xả lớn nhất từ tự doanh. Top các mã bị bán ròng gồm CTG, MBB, VPB, VNM, NKG, HDC, PC1, FUEVFVND, E1VFVN30, DBC.
Tổ chức trong nước tiếp đà mua ròng gần 550 tỷ đồng
NĐT tổ chức trong nước là bên duy nhất xuống tiền nâng đỡ thị trường trong phiên cuối tuần. Đây cũng là phiên mua ròng mạnh nhất của nhóm này trong tuần với giá trị vào ròng đạt 547,4 tỷ đồng. Trong đó, tổ chức nội thực hiện gom ròng 101 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 6/18 ngành với áp lực rút vốn chủ yếu đặt tại nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp. Top cổ phiếu bị bán ròng có DIG, APH, SSB, CII, LPB, KBC, DPM, VGC, PVT, IJC.
Trong khi đó, các tổ chức trong nước gom mạnh nhất cổ phiếu của các nhà băng. Top10 mã được khối này giải ngân có VHM, VPB, VNM, SSI, HPG, TCB, MBB, MSN, FPT, ACB.
Cá nhân trong nước chuyển vị thế bán ròng
Về phía NĐT cá nhân, họ bán ròng 161,6 tỷ đồng, trong đó họ rút ròng 174,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì các cá nhân trong nước mua ròng 6/18 ngành, tập trung rót vốn cho nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp. Top cổ phiếu được NĐT cá nhân mua ròng gồm: DIG, APH, PNJ, SSB, CII, KBC, DMC, GMD, LPB, KDH.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, nhóm này chủ yếu xả cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ. Top bán ròng có VHM, MBB, MWG, STB, FPT, TCB, HPG, CTG, VPB.
Khối ngoại tiếp tục rút ròng, chuyển bán mạnh nhóm thực phẩm và đồ uống
Giao dịch cùng chiều với các cá nhân trong nước, NĐT nước ngoài bán ròng 392 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 129,8 tỷ đồng.
Diễn biến theo nhóm ngành, dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: PNJ, HPG, MSN, KDH, GMD, DMC, VNM, VPB, GAS.
Chiều ngược lại, lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm ngân hàng, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, MBB, STB, CTG, POW, DGC, HSG, HDG, FUEVFVND, DXG.
Tại nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VHM được mua ròng mạnh cuối phiên, đưa vị thế mua ròng của nước ngoài ở mã này lên 733 tỷ đồng trong tháng 8. Ngược lại VRE, VIC tiếp tục bị bán ròng, điểm tích cực là giá cổ phiếu của hai mã này đã tăng trở lại bất chấp lực bán của khối ngoại.