|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 20 - 24/12: Tự doanh tập trung bán ròng cổ phiếu BĐS, chứng khoán; KOS, AGM lọt top mua ròng

11:09 | 26/12/2021
Chia sẻ
Khối tự doanh có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp, dù vậy quy mô rút vốn đã giảm mạnh từ hơn 1.100 tỷ đồng tuần trước còn 68 tỷ đồng tuần này. Thống kê cho thấy áp lực rút vốn chủ yếu đặt tại nhóm bất động sản, chứng khoán với quy mô trên trăm tỷ đồng.

VN-Index trải qua tuần thứ 52 của năm 2021 với hai phiên tăng, ba phiên giảm. Các phiên tăng giảm xuất hiện đang xen, sau 3 phiên đầu tuần biến động hẹp, chỉ số sàn HOSE bất ngờ giảm mạnh gần 21 điểm trong phiên ngày 23/12 tuy nhiên sau đó lại hồi phục mạnh với mức tăng 20 điểm trong phiên cuối tuần (24/12).

Chốt tuần 20 - 24/12, VN-Index dừng chân tại mốc 1.477,03, giảm 2,76 điểm (0,19%) so với tuần trước đó và ghi nhận mức biến động ít nhất trong khoảng nửa năm trở lại đây. Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 15,3% so với tuần trước đó và 9,9% so với trung bình 5 tuần.

Diễn biến phân hóa tiếp tục hiện hữu trong nhóm cổ phiếu rổ VN30 khi MSN và VCB dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tích cực với mức tác động lần lượt là 4,2 điểm và 3,6 điểm đến VN-Index. Chiều ngược lại thì VIC, VHM và GAS đã tác động giảm tương ứng 5,5 điểm, 1,8 điểm và 1,7 điểm.

Liên quan đến giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, họ có 3/5 phiên mua ròng nhưng tính tổng cộng nhóm này đã bán ròng 358 tỷ đồng trên HOSE và 940 tỷ đồng trên HNX tuần vừa qua. 

Tương tự, khối tự doanh có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp, dù vậy quy mô rút vốn đã giảm mạnh từ hơn 1.100 tỷ đồng tuần trước còn 68 tỷ đồng tuần này.

 - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Nhóm BĐS, chứng khoán bị rút ròng trên trăm tỷ đồng

Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bán lẻ được khối tự doanh mua ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh. Giá trị mua ròng tại nhóm này là 39 tỷ đồng. Thống kê cho thấy đã có sự thay đổi vị thế giao dịch ở nhóm bán lẻ khi tuần trước đó bộ phận tự doanh bán ròng nhẹ.

Dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến một số nhóm ngành như xây dựng & vật liệu, ngân hàng. Đáng chú ý, cổ phiếu của các nhà băng đã được khối này gom ròng tuần thứ 4 liên tiếp. Mới đây, cổ phiếu ngân hàng đã có tuần tăng điểm nhờ sự bứt phá ngoạn mục phiên cuối tuần, giá trị giao dịch tiếp tục giảm cho thấy lực cung đã giảm.

Top cổ phiếu ngân hàng tăng điểm trong tuần là EIB, VCB, SSB, MSB, TPB với tỷ lệ 3,3% - 20%. Trong đó, đà tăng giá của EIB diễn ra trong bối cảnh thị trường kỳ vọng về câu chuyện bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược. 

VCB đã phục hồi mạnh trong tuần và chuyển từ trạng thái giảm sang tăng 4% từ đầu năm. Ngược lại, cổ phiếu giảm điểm chủ yếu là nhóm ngân hàng vừa và nhỏ như PGB, BVB, OCB, SHB, VBB, với tỷ lệ mất giá 3% - 5,3%.

 - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong tuần 20 - 24/12. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, khối tự doanh tập trung bán ròng trên trăm tỷ đồng ngành dịch vụ tài chính (chứng khoán) và bất động sản. Tuần qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc có dấu hiệu chốt lời mạnh mẽ sau chuỗi tăng nóng trước đó, chỉ số giá ngành giảm khoảng 1,7% với thanh khoản giảm nhẹ.

Kém sắc hơn, cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn chưa dứt đà điều chỉnh với tỷ lệ mất giá  3,6%, là ngành giảm mạnh thứ hai trong tuần chỉ xếp sau nhóm y tế.

Cùng chiều, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi nhóm công nghệ thông tin (48,6 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (43,1 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (33,4 tỷ đồng), hóa chất (30,3 tỷ đồng),...

Tự doanh tập trung xả cổ phiếu BĐS

Thống kê cho thấy hai cổ phiếu họ Vingroup gồm VRE và VIC nằm trong danh mục bán ròng của khối tự doanh công ty chứng khoán, qua đó đưa nhóm bất động sản lọt top bán ròng trong tuần. Theo ghi nhận, tự doanh rút ròng hai cổ phiếu trên với giá trị lần lượt 60,5 tỷ đồng và 45,5 tỷ đồng.

Một cổ phiếu địa ốc khác cùng nằm trong danh mục bán ròng là HDC với giá trị 56,2 tỷ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh còn bán ròng 25 - 55 tỷ đồng các cổ phiếu FPT, APH, MBB, HPG, DGC, HDB, GAS.

 - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 20 - 24/12. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, cổ phiếu KOS dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 101,4 tỷ đồng. Đây là mã duy nhất được mua ròng trên trăm tỷ đồng tuần này.

Theo dõi giao dịch, trong ba phiên 21 - 23/12, cổ phiếu KOS giao dịch thỏa thuận lớn với tổng giá trị đạt hơn 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu duy trì sắc xanh bất chấp phiên thị trường giảm sâu (23/12), qua đó ghi nhận mức tăng 5,5% sau 1 tuần.

Theo sau đó, hai cổ phiếu ngân hàng là VPB và STB được mua ròng với giá trị lần lượt là 52,8 tỷ đồng và 50,8 tỷ đồng. Những cổ phiếu ghi nhận giá trị mua ròng 30 - 50 tỷ đồng là GEX, MWG, SSI, KDH, VHM, AGM.

Theo quan sát, cổ phiếu AGM trong hệ sinh thái Louis bất ngờ có mặt trong top mua ròng tuần này của khối tự doanh. Sau cú chỉnh mạnh từ vùng đỉnh gần 42.000 đồng/cp, cổ phiếu của Angimex có thời điểm giao dịch ảm đạm với thanh khoản gần như mất hút. Tuần vừa qua, khối lượng giao dịch của AGM tăng mạnh, thậm chí phiên cuối tuần ghi nhận giá trị đột biến 741.600 đơn vị, gấp 4,7 giá trị trung bình 10 phiên gần nhất.

Đại diện cuối cùng có mặt trong danh mục 10 mã được mua ròng nhiều nhất là cổ phiếu VCG của Vinaconex. Mới đây, Công ty TNHH An Quý Hưng đã thông báo đăng ký chuyển toàn bộ gần 278 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng 62,9% vốn điều lệ của Vinaconex cho Đầu tư Pacific Holdings.

Công ty mẹ của Vinaconex cho biết mục đích giao dịch để chuyển quyền sở hữu chứng khoán do góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp. Về Đầu tư Pacific Holdings, doanh nghiệp này mới được thành lập tháng 11/2021 vừa qua có trụ sở tại 2B Phạm Văn Đồng, Phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ là 7.100 tỷ đồng và do An Quý Hưng sở hữu tới 99,9% vốn.

Thu Thảo