|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top 10 tăng/giảm tuần 20 - 24/12: TVS tăng mạnh nhờ góp vốn vào kỳ lân công nghệ, cổ phiếu họ APEC miệt mài tạo "mô hình cây thông"

16:42 | 25/12/2021
Chia sẻ
Nhờ sở hữu 6% vốn cổ phần tại M_Service - chủ quản của ví điện tử MoMo, cổ phiếu TVS tăng mạnh từ đầu tháng 12 và thiết lập đỉnh lịch sử tại 67.000 đồng/cp. Ngược lại, những "món quà của thượng đế" như IDJ, APS, API khiến nhiều nhà đầu cơ chưa tìm thấy điểm cắt lỗ.

Tâm lý thận trọng bao trùm khắp thị trường chứng khoán tuần qua khi VN-Index giao dịch ngay dưới mức đỉnh lịch sử và trong giai đoạn vùng trống thông tin. VN-Index gần như đi ngang trong suốt tuần giao dịch, sau đó đột ngột chìm sâu trong sắc đỏ trong phiên 23/12. 

Tuy vậy, chỉ số đã từng bước lấy lại những mốc quan trọng như chưa từng có pha đổ đèo hôm qua. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm nhẹ 0,19% xuống còn 1.477,03 điểm trong khi HNX-Index dừng tại 445,61 điểm, tương ứng tỷ lệ tăng 2,32% so với tuần trước đó. 

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 974 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 7,17% so với tuần trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 130 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 11,45%. 

Trong phiên thị trường đỏ lửa (23/12), tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt tới 53.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 1,66 tỷ cổ phiếu. Đây là mức thanh khoản kỷ lục trong 21 năm thị trường chứng khoán hoạt động.

Nhóm ngân hàng điều chỉnh sau khi phát hành cổ phiếu, TVS tăng mạnh nhờ góp vốn vào kỳ lân công nghệ 

Giao dịch ảm đạm trong vùng giá 8.000 - 12.000 đồng/cp trong suốt một năm trở lại đây, cổ phiếu TTE của Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh bất ngờ tăng trần 5 phiên liên tiếp lên mức giá 16.050 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ tăng gần 40% và là mã dẫn đầu chiều tăng giá trên sàn HOSE. 

Tuy nhiên, khi nhìn vào thanh khoản, cổ phiếu này không thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với khối lượng giao dịch cao nhất cũng chỉ đạt 4.200 đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu TVS là mã ngành chứng khoán hot nhất hiện nay với đà tăng ấn tượng từ đầu tháng 12. Chốt phiên 24/12, mã này thiết lập đỉnh lịch sử 67.000 đồng/cp, tăng 34,4% giá trị so với đầu tuần. Sự ngược dòng của mã TVS được hỗ trợ bởi thông tin MoMo đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ 2 tỷ USD của Việt Nam. 

Cụ thể, ngày 21/12, CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service - chủ quản của ví điện tử MoMo) đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 và nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu. Hiện Chứng khoán Thiên Việt sở hữu hơn 918.000 cổ phiếu phổ thông tại doanh nghiệp này, tương ứng gần 6% vốn cổ phần. 

Nối dài đà tăng kể từ đầu năm, cổ phiếu LCM tiếp tục góp mặt trong danh sách tuần này với tỷ lệ tăng 25%, tuy nhiên vẫn là cổ phiếu "rau dưa, trà đá" trên sàn HOSE. 

Dòng tiền đầu cơ vào cổ phiếu midcap, penny bất động sản đã dần hạ nhiệt, tuy nhiên HAR, LDG và LGL là một trong những mã hiếm hoi vẫn trụ vững trong tuần qua. Danh sách tăng giá trên sàn HOSE còn có một số mã khác như SAM (23,6%), HNG (20,7%), EIB (20%) và ST8 (20%). 

Top 10 - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Algo Platform).

Chiều giảm giá có tới 3 cổ phiếu vốn hoá lớn ngành ngân hàng là TPB (tỷ lệ giảm 23,5%), BID (22%) và VCB (18,7%). Thực tế những mã cổ phiếu này giảm mạnh trong tuần qua không liên quan đến nội tại doanh nghiệp hay thông tin tiêu cực mà chỉ đơn giản do việc điều chỉnh giá sau phát hành cổ phiếu. 

Trong tuần qua, 3 ngân hàng trên đã thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần hoặc thực hiện chia cổ tức cho cổ đông, làm tăng lượng cổ phiếu đang lưu hành và đương nhiên giá cổ phiếu phải điều chỉnh. 

Như đã đề cập, đà tăng quá nóng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua sau hiệu ứng đất Thủ Thiêm đã nguội lạnh bớt. Trong Top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HOSE có sự xuất hiện của các cổ phiếu địa ốc như NVL (tỷ lệ giảm 22,8%), HDG (13,8%), VGC (13%) hay ngành xây dựng, vật liệu như CEE (14,2%). 

Cổ phiếu họ APEC miệt mài tạo "mô hình cây thông"

Một cái tên khá xa lạ là cổ phiếu SDU của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà với đà tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây. Mã này ghi nhận nhiều phiên tăng trần liên tiếp cùng thanh khoản cải thiện. Liệu SDU có đang trên đường quay về vùng đỉnh cũ 36.000 đồng/cp hồi cuối năm 2018?

Nhiều cổ phiếu cũng bắt đầu chuỗi tăng nóng trên sàn HNX từ đầu tháng 12 như VC1 (31,6%), HEV (31,3%), VLA (30,9%), DST (24%)...

Đặc biệt về cổ phiếu LUT, mã này đã từng làm mưa làm gió với chuỗi tăng trần suốt từ tháng 12/2020 từ thị giá vỏn vẹn 2.000 đồng/cp lên 10.000 đồng/cp. Sau giai đoạn phân phối trong suốt năm 2021, cổ phiếu LUT đang trên đà lấy lại mệnh giá, ghi nhận tỷ lệ tăng gần 29% trong tuần này lên 9.400 đồng/cp.

Top 10 - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Algo Platform).

Thị trường thời gian qua không thiếu cổ phiếu đầu cơ với tỷ suất lợi nhuận không tưởng khiến dòng tiền FOMO dậy sóng. Có thể kể đến cổ phiếu IDJ tăng mạnh từ vùng 12.000 – 13.000 đồng/cp lên 75.000 đồng/cp, gấp 6 lần trong vòng 3 tháng. Cổ phiếu có liên quan là APS cũng tăng từ 10.000 đồng/cp cuối tháng 7 lên 59.900 đồng/cp. Bên cạnh đó, API tăng từ vùng 17.000 đồng/cp và vượt mức 100.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, những "món quà của thượng đế" lại quay đầu giảm sàn la liệt, nhà đầu tư đu đỉnh những cổ phiếu này hiện vẫn chưa tìm thấy đáy để cắt lỗ. Liệu ban lãnh đạo nhóm cổ phiếu này còn nhớ khẩu hiệu "quyết tâm gồng lãi" và những mục tiêu đặt ra đầy tham vọng đặt ra trong ĐHĐCĐ trước đó?

Ngoài ra, một số cổ phiếu cũng mất 10 - 20% giá trị trong tuần qua như CMS (18,1%), IDC (17,7%), TC6 (15,6%), PPE (14%)....

GER tiếp tục thăng hoa

Top 10 - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Algo Platform).

Mã GER của CTCP Thể thao Ngôi sao Geru tiếp tục dẫn đầu trên thị trường UPCoM tuần qua khi tăng gần gấp đôi lên thị giá 22.300 đồng/cp. Tính từ đầu tháng 12 tới nay, cổ phiếu này đã tăng 430% với 11 phiên tăng trần. Tuy nhiên, thanh khoản mã này khá thấp nên đa phần nhà đầu tư chỉ có thể đứng ngoài quan sát.

Tình trạng giá tăng mạnh nhưng thanh khoản mất hút cũng xuất hiện nhiều trên UPCoM như SPB (73%), TS3 (73%), BTV (65%), TSD (58%)...

Chiều ngược lại, cổ phiếu DOC của Đầu tư Dầu khí Sao Mai – Bến Đình mất 47% giá trị với 3 phiên giảm sàn tuần qua. Một số cổ phiếu khác vốn hoá nhỏ và siêu nhỏ cũng giảm sâu sau chuỗi ngày dài không có giao dịch là NXT (39%), CCV (36%, VHH (32%)...

Bảo Ngọc