Chuyên gia mách nước quản trị rủi ro, không để ‘cái tôi’ biện hộ cho sai lầm
Mặc dù nền kinh tế trải qua đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán liên tục thăng hoa từ giữa năm 2020 và 2021. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 32%, thuộc top thị trường có tỷ suất sinh lời cao bậc nhất thế giới.
Nhìn lại lịch sử thị trường từ khi thành lập đến nay, chứng khoán vẫn là kênh đầu từ sinh lời tốt nhất. Tuy nhiên, hành trình đầu tư chứng khoán không phải lúc nào cũng uptrend và niềm vui không đến với tất cả nhà đầu tư.
Tỷ suất sinh lời bình quân của VN-Index hiện đạt 15%/năm nhưng tính từ giai đoạn uptrend từ tháng 4/2020 đến nay, thị trường không tránh khỏi những nhịp giảm điểm, điển hình như phiên giảm lịch sử ngày 28/1.
Hay như từ đầu tháng 11 đến nay, VN-Index vẫn tạo ra tỷ suất lợi nhuận khoảng 6% nhưng nhóm ngành cổ phiếu thép giảm 20 – 30% mặc dù là những mã có yếu tố cơ bản tốt và dẫn dắt thị trường trong giai đoạn trước đó. Điều này đặt ra cho nhà đầu tư câu chuyện cần phải quan trị rủi ro như thế nào và giữ được lợi nhuận.
Chia sẻ tại Hội thảo "Nhận diện cơ hội và rủi ro 2022", ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chính là do nhà đầu tư không phản ứng nhanh và quản trị rủi ro kịp thời khi điều kiện thị trường thay đổi.
Ông Linh nhấn mạnh: "Rủi ro luôn tồn tại và không thể triệt tiêu. Nhà đầu tư chỉ có thể tối thiểu hoá và duy trì sự kiểm soát nhất định. Mỗi khi giao dịch hãy nhớ: Trước tiên phải nghĩ đến rủi ro".
Trên cơ sở đó, chuyên gia Mirae Asset đưa ra một số cách quản trị rủi ro và bảo toàn lợi nhuận để nhà đầu tư không phải đối diện nguy cơ lỗ chồng lỗ và mất cơ hội đầu tư ở những cổ phiếu tiềm năng khác.
Rủi ro bao nhiêu là nhiều?
Theo ông Nguyễn Duy Linh, mức lỗ tối đa tuỳ thuộc vào tỷ lệ chiến thắng (tỷ lệ các giao dịch có lãi) và lợi nhuận trung bình kiếm được. Quy tắc chung là nên cắt lỗ bằng một nửa mức lãi trung bình.
"Mức lỗ tối đa là 7 – 8% so với mức giá mua vì thua lỗ càng lớn càng khó khăn để trở về điểm hoà vốn". Một khoản lỗ lớn luôn bắt đầu từ một khoản lỗ nhỏ, càng giữ mức rủi ro càng thấp càng giúp nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong lâu dài.
Để tồn tại và tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán, ông Linh nhấn mạnh nhà đầu tư nên chấp nhận sự thật "thị trường luôn luôn đúng" và không để "cái tôi" biện hộ cho sai lầm.
Không phải nhà đầu tư cũng dễ dàng chấp nhận bán "cổ phiếu thân yêu" khi họ dành tâm huyết nghiên cứu về tình hình doanh nghiệp, phân tích yếu tố cơ bản và kỹ thuật. Tuy nhiên, cắt lỗ kịp thời và chuyển sang tìm cơ hội ở cổ phiếu khác là điều nên làm. Kể cả nhà đầu tư dài hạn cũng cần phải đặt ngưỡng cắt lỗ của riêng mình để quản trị rủi ro.
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, chuyên gia Mirae Asset khuyên nhà đầu tư nên thắt chặt lệnh dừng lỗ, tương ứng thiết lập lợi nhuận mục tiêu nhỏ hơn, loại bỏ margin, giảm quy mô vị thế giao dịch xuống. Đợi đến khi tỷ lệ chiến thắng và tỷ lệ lãi lỗ được cải thiện thì nâng dần các tham số lên bình thường.
Chỉ mua các công ty có nền tảng cơ bản tốt
Thị trường hiện nay không thiếu những doanh nghiệp không có doanh thu, lợi nhuận thậm chí âm vốn chủ sở hữu nhưng cổ phiếu vẫn tăng nóng vì game, vì sóng. Trong "chợ chứng khoán", chuyên gia đặt câu hỏi tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn đặt cược số tiền kiếm được vào những cổ phiếu chỉ thoả mãn được một tiêu chí là ba chữ cái.
Trước khi đầu tư vào bất cứ một mã nào, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo, ngành có đang được hưởng lợi hay không... Đây là những tiêu chí cơ bản của cổ phiếu cần lưu tâm ngoài yếu tố kỹ thuật.
Trong hội thảo, chuyên gia Mirae Asset còn đề cập đến những phương pháp quản trị rủi ro khác như sử dụng đường trung bình MA hay chọn điểm mua lý tưởng. "Đừng mua đuổi khi cổ phiếu đã tăng quá xa, nhà đầu tư cần tránh hội chứng FOMO và mua bằng cảm xúc. Nhà đầu tư nên mua cổ phiếu gần điểm mua lý tưởng nhất có thể, đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro tối thiểu 2:1".