|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 19 - 23/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 2.500 tỉ đồng, tâm điểm MSN

07:38 | 25/10/2020
Chia sẻ
Trong tuần vừa qua, giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE tăng gần 50% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, cổ phiếu MSN tiếp tục dẫn đầu phía bán ròng với giá trị 786 tỉ đồng. Tính tổng hai tuần gần đây, khối ngoại đã xả gần 1.700 tỉ đồng MSN.

Thống kê giao dịch khối ngoại tuần qua, hoạt động bán ròng của khối này mở rộng trên HOSE và UPCoM trong khi giảm mua ròng tại HNX. Theo đó, giá trị bán ròng của NĐT nước ngoài toàn thị trường đạt 2.554 tỉ đồng, tăng 44% so với tuần trước; khối lượng bán ròng tương ứng là 79,63 triệu đơn vị.

Khối ngoại vẫn tập trung xả MSN, đẩy giá trị bán ròng mã này lên 1.700 tỉ đồng sau hai tuần

Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục xả 2.564 tỉ đồng với khối lượng 79 triệu đơn vị trong khi tuần trước đó chỉ bán ròng 1.772 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động bán ròng tập trung tại thị trường cổ phiếu với giá trị 2.460 tỉ đồng.

Tuần 19 - 23/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 2.500 tỉ đồng, tâm điểm MSN - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Top10 cổ phiếu dẫn đầu về giá trị bán ròng tuần qua, khối ngoại tập trung xả MSN (786 tỉ đồng). Đáng chú ý, tuần trước đó, mã MSN cũng dẫn đầu phía bán ròng với giá trị lên tới 892 tỉ đồng. Như vậy chỉ trong hai tuần, NĐT nước ngoài đã xả gần 1.700 tỉ đồng cổ phiếu Masan.

Bên cạnh giao dịch khối ngoại, cổ đông liên quan nội bộ doanh nghiệp cũng có động thái đăng kí bán cổ phiếu khi thị giá cổ phiếu MSN liên tục tăng nóng trong thời gian gần đây. Cụ thể, bà Đào Minh Thu, vợ ông Nguyễn Thiều Nam - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đăng kí bán toàn bộ 150.000 cổ phiếu MSN. Giao dịch dự kiến bắt đầu từ ngày 22/10 đến ngày 20/11 qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Cùng chịu áp lực thoái vốn từ khối ngoại, cổ phiếu DIG ghi nhận giá trị bán ròng cao thứ hai tuần qua là 491 tỉ đồng. Mới đây, CTCP Taekwang Vina Industrial vừa công bố đã bán toàn bộ 28,2 triệu cổ phiếu DIG, tương đương 9,19% vốn điều lệ vào ngày 20/10. Trước đó, Taekwang Vina Industrial cũng từng bán ra gần 2,3 triệu cổ phiếu DIG phiên 5/10.

Mặt khác, NĐT nước ngoài bán ròng mạnh hai mã ngân hàng gồm CTG (338 tỉ đồng) và VPB (122 tỉ đồng). Hai cổ phiếu "họ Vingroup" cũng ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt là 297 tỉ đồng và 176 tỉ đồng trong tuần.

Mặt khác, dòng vốn ngoại rút ròng trên trăm tỉ đồng khỏi cổ phiếu VNM (152 tỉ đồng), KDH (101 tỉ đồng). Lọt top bán ròng còn có cổ phiếu POW (80 tỉ đồng) và GAS (77 tỉ đồng).

Top10 mã thu hút khối ngoại mua ròng, cổ phiếu TCB dẫn đầu với giá trị 142 tỉ đồng. Cùng chiều khối ngoại, cổ đông liên quan đến nội bộ Techcombank cũng có động thái gom cổ phiếu TCB trong thời gian qua.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Trung, chồng bà Thái Hà Linh, Giám đốc Kế toán Techcombank đã mua thành công 575.520 cổ phiếu TCB trong số 1 triệu cổ phiếu đăng kí trong thời gian từ ngày 18/9 đến 18/10. Lượng mua vào không bằng số đăng kí do giá thị trường không đạt kì vọng.

Khối ngoại còn mua ròng hai mã HPG và VIC lần lượt 129 tỉ đồng và 104 tỉ đồng. Trong thời gian qua, cổ phiếu HPG của Hòa Phát gây chú ý khi liên tục tăng mạnh cùng thanh khoản bùng nổ. Với mức giá đóng cửa phiên gần nhất 23/10 tại mốc 30.900 đồng/cp, HPG đã vượt qua đỉnh cũ hồi tháng 2/2018 để thiết lập kỉ lục giá mới.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu HPG đã tăng trưởng gần 55%. Nếu so với đáy trong đại dịch COVID-19 hồi cuối tháng 3, cổ phiếu của đại gia thép này đã tăng gần 130%.

Theo đó, tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long vượt ngưỡng 1 tỉ USD trong danh sách theo dõi của tạp chí Forbes.

Cùng chiều mua ròng, các mã còn lại trong top10 đều ghi nhận giá trị dưới trăm tỉ đồng. Đơn cử, NĐT nước ngoài rót 75 tỉ đồng vào cổ phiếu DXG, chứng chỉ quĩ duy nhất lọt top giao dịch FUESSV30 (24,4 tỉ đồng), VHC (23 tỉ đồng). Một số mã khác thu hút dòng vốn ngoại như CTD, GVR, DCM, STB.

Duy nhất sàn HNX ghi nhận giá trị mua ròng tuần qua

Trên sàn HNX, mặc dù đà mua ròng thu hẹp đáng kể, khối ngoại tiếp tục gom 22 tỉ đồng cùng khối lượng 1,8 triệu cổ phiếu. Hoạt động mua ròng của khối này diễn ra trong ba phiên đầu tuần, ngược lại hai phiên cuối tuần ghi nhận giá trị bán ròng nhẹ.

Tuần 19 - 23/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 2.500 tỉ đồng, tâm điểm MSN - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Tại phía mua ròng, khối ngoại chủ yếu rót vốn vào cổ phiếu SHS (40 tỉ đồng). Theo sau đó, khối này còn mua ròng BAX (2,7 tỉ đồng), DP3 (1,6 tỉ đồng), NTP và DNM (1,4 tỉ đồng). Hai mã IDV và HUT lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 1,3 tỉ đồng và 1 tỉ đồng. Các mã còn lại trong top mua ròng là SD9, SZB và WCS.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SHB ghi nhận giá trị bán ròng cao nhất tuần qua là 10,9 tỉ đồng. Mặt khác, dòng vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu DTD (3,9 tỉ đồng), VCG (3,6 tỉ đồng), VCS (3,6 tỉ đồng) và PVS (2,2 tỉ đồng). Ngoài ra, NĐT nước ngoài bán ròng mã NBC, BVS, INN, VMC, VTC.

Khối ngoại tập trung xả LPB nhưng mua ròng cổ phần của Viettel Post

Giao dịch trên UPCoM, NĐT nước ngoài giảm bán ròng từ 90 tỉ đồng tuần trước đó còn 12,5 tỉ đồng trong tuần này. Khối ngoại rút vốn khỏi thị trường này trong hai phiên đầu và cuối tuần, các phiên còn lại ghi nhận hoạt động mua ròng áp đảo.

Tuần 19 - 23/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 2.500 tỉ đồng, tâm điểm MSN - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Trong đó, dòng vốn ngoại tìm đến cổ phiếu VTP và ACV lần lượt 13,3 tỉ đồng và 10,1 tỉ đồng. Cùng chiều, khối ngoại rót vốn cho mã SIP (3,3 tỉ đồng), MCH và BVB (2,9 tỉ đồng), VIB (2,7 tỉ đồng). Ngoài ra, khối này còn mua ròng cổ phiếu VRG, ABI, FOC, WSB.

Diễn biến trái chiều, mã LPB dẫn đầu phía bán ròng với giá trị 25,6 tỉ đồng. Kế đó, khối ngoại thoái vốn khỏi MSR (7,8 tỉ đồng), VEA (7,5 tỉ đồng) và VGG (6 tỉ đồng). Ghi nhận giá trị bán ròng thấp hơn còn có cổ phiếu VGI (2,3 tỉ đồng), MPC, KHA, NTC, BSR và TRS.

Ánh Hường