|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 16 - 20/8: Tổ chức trong nước tiếp tục xả hơn 2.000 tỷ đồng, giao dịch đột biến mã VHM

07:15 | 23/08/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index biến động mạnh, tổ chức trong nước tăng quy mô bán ròng lên 2.040 tỷ đồng. Trong đó, tâm điểm giao dịch là VHM với giá trị rút ròng lên tới 2.165,3 tỷ đồng.

Với tâm lý lạc quan, VN-Index đã khởi đầu tuần với phiên tăng hơn 13 điểm, vượt kháng cự quan trọng 1.370. Đến phiên thứ Ba (17/8), VN-Index đã bất ngờ giảm điểm khi tiến gần ngưỡng 1.380.

Ba phiên sau đó diễn ra kịch tính khi một lần nữa VN-Index tăng mạnh vượt 1.370 rồi lại bất ngờ giảm sâu trong phiên cuối tuần. Với mức giảm 45,4 điểm trong phiên thứ Sáu, VN-Index chốt tuần để mất 27,6 điểm (2,02%) về mức 1.329 điểm.

Đáng chú ý, phiên cuối tuần ghi nhận mức thanh khoản khớp lệnh trên HOSE cao nhất từ trước đến nay với gần 1,8 tỷ đơn vị khớp lệnh, giá trị vượt 37.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trung bình tại sàn HOSE theo đó tăng 19% lên 28.160 tỷ đồng và là mức thanh khoản kỷ lục.

Các bluechips lớn nhất của thị trường đều nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Dẫn đầu là VHM với mức giảm 9,9% khiến chỉ số sàn HOSE giảm 10,7 điểm, tiếp theo là GAS với mức ảnh hưởng giảm 2,8 điểm. Nhóm ngân hàng với 4 đại diện là BID, CTG, TCB và ACB với tổng mức điều chỉnh giảm 7,2 điểm.

Bên phía dẫn dắt, đáng chú ý có GVR và SSI với mức tăng 4,5% và 5,9% giúp VN-Index tăng 1,7 và 0,6 điểm.

Tuần 16 - 20/8: Tổ chức trong nước tiếp tục xả hơn 2.000 tỷ đồng, giao dịch đột biến mã VHM - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trong tuần VN-Index biến động mạnh, khối ngoại tăng quy mô bán ròng lên hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó họ xả gần 4.500 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Giao dịch cùng chiều với khối ngoại, tổ chức trong nước có thêm một tuần bán ròng vượt 2.000 tỷ đồng. Theo thống kê, tổ chức nội đã bán ròng 5 tuần liên tiếp kể từ cuối tháng 7 tới nay.

Tâm điểm giao dịch cổ phiếu của Vinhomes

NĐT tổ chức trong nước bán ròng cả 5 phiên trong tuần qua kênh khớp lệnh, với tổng giá trị đạt 2.040 tỷ đồng. Trong đó, họ bán ròng mạnh nhất cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc như hai tuần trước đó.

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VHM dẫn đầu Top10 mã bị bán ròng với giá trị lên tới 2.165,3 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin về các tổ chức thực hiện giao dịch trên tuy nhiên lượng bán ra đột biến nhiều khả năng liên quan tới việc thoái vốn của Vingroup.

Cụ thể, theo thông báo phát đi gần đây, Tập đoàn Vingroup đăng ký bán gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% vốn điều lệ của Vinhomes. Giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Theo công bố, mục đích giao dịch của tập đoàn là tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào công ty con. Giao dịch dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 19/8 đến ngày 17/9. Nếu giao dịch thành công, Vingroup giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống còn 2,23 tỷ cổ phiếu, tương đương 66,66% vốn điều lệ của Vinhomes.

Hiện giá cổ phiếu VHM ở mức 108.100 đồng/cp. Ước tính Tập đoàn Vingroup sẽ thu về hơn 10.800 tỷ đồng từ giao dịch trên.

Trong tuần đầu tháng 8, VHM cũng đứng đầu trong danh sách bán ròng của các tổ chức nội với giá trị trên 1.400 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, giao dịch đột biến trên đến từ việc Vinhomes bán cổ phiếu quỹ.

Công ty con của Vingroup cũng cho biết đã hoàn tất bán ra 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ trong khoảng thời gian từ ngày 26/7 đến 11/8. Tại mức giá bình quân 108.637 đồng/cp, dự kiến doanh nghiệp này đã thu về khoảng 6.518 tỷ đồng.

Tuần 16 - 20/8: Tổ chức trong nước tiếp tục xả hơn 2.000 tỷ đồng, giao dịch đột biến mã VHM - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 16 - 20/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trở lại với giao dịch tuần qua của tổ chức nội, cổ phiếu DIG của DIC Corp tiếp tục bị bán ròng 524,2 tỷ đồng. Mã này vừa trải qua nhịp giảm gần 5% trong tuần vừa qua, mặc dù thuộc Top bán ròng của tổ chức trong nước nhưng lại là tâm điểm hút tiền của NĐT cá nhân với giá trị vào ròng hơn 539 tỷ đồng.

Kế đó tổ chức trong nước còn xả mạnh hai mã ngân hàng là MSB và LPB với giá trị lần lượt là 404,5 và 308,2 tỷ đồng. Cùng chiều, các cổ phiếu bị rút ròng dưới trăm tỷ gồm MHC (92,7 tỷ đồng), SSB (86 tỷ đồng), PVT (75,9 tỷ đồng), ACB (72,1 tỷ đồng), MBB (71,9 tỷ đồng) và REE (55,1 tỷ đồng).

Tuần 16 - 20/8: Tổ chức trong nước tiếp tục xả hơn 2.000 tỷ đồng, giao dịch đột biến mã VHM - Ảnh 3.

Cổ phiếu HPG và TCB được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất tuần qua. Ảnh: Hoàng Linh.

Thống kê giao dịch tại chiều mua, NĐT tổ chức trong nước tập trung gom ròng nhóm tài nguyên cơ bản và thực phẩm đồ uống. Xét trong Top10 cổ phiếu được khối này mua ròng, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với giá trị 435,7 tỷ đồng.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu HPG, ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã mua thành công 5 triệu cổ phiếu HPG trong phiên 18/8, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát lên 1,56% vốn, tương đương 69,8 triệu đơn vị.

Theo sau đó là cổ phiếu TCB của Techcombank được gom ròng với giá trị trên 396 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng còn diễn ra tại một số cổ phiếu bluechips như MSN, VPB, VNM, STB, VCB với giá trị trên trăm tỷ đồng. Ngoài ra, NĐT tổ chức trong nước còn tập trung giải ngân vào các cổ phiếu VJC, FPT và VCI với giá trị thấp hơn.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.