Tuần 14 - 18/2: NĐT cá nhân chốt lời nghìn tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, tâm điểm STB, VHM, TCB
VN-Index mở cửa tuần (14 - 18/2) với một phiên giảm mạnh gần 30 điểm do hiệu ứng từ thị trường chứng khoán quốc tế bên cạnh căng thẳng chính trị Nga - Ukraine. Tuy vậy, thị trường nhanh chóng tìm lại trạng thái cân bằng sau phiên giảm sốc chủ yếu nhờ đà hồi phục của nhóm vốn hóa lớn.
Mặc dù đà hồi phục có phần chậm lại về cuối tuần, sàn HOSE vẫn đóng cửa tuần với 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm. VN-Index có thêm 3,13 điểm tương đương 0,21%, qua đó thành công lấy lại ngưỡng 1.504,84 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 21.290 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong vòng 18 tuần, giảm 2,5% so với tuần trước đó và giảm 16,2% so với trung bình 5 tuần.
Trong tuần biến động của thị trường, nhà đầu tư cá nhân đóng vai bên bán ròng duy nhất, đối ứng với toàn bộ các nhóm nhà đầu tư khác. Cụ thể, nhóm này bán ròng 2.364 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán riêng qua khớp lệnh đạt 2.110 tỷ đồng và đánh dấu tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Cá nhân trong nước chốt lời loạt cổ phiếu ngân hàng, bất động sản sau nhịp tăng
Theo thống kê từ Fiintrade, Hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước áp đảo với 14/18 ngành bị bán ròng. Trong đó, cổ phiếu "vua" là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 985 tỷ đồng, trái ngược với lực cầu trong tuần liền trước.
Nhìn chung, hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra ngay sau nhịp bật hồi của cổ phiếu ngân hàng khiến nhóm này đảo chiều trở thành tác nhân chính ảnh hưởng tới VN-Index. Thống kê cho thấy trong Top10 mã tác động lớn nhất tới VN-Index tuần qua, có tới 9/10 đại diện của các nhà băng, lần lượt là BID, VCB, CTG, TCB, ACB, MBB, STB, SHB, HDB.
Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân cũng đảo chiều ở nhóm bất động sản khi bán ròng 471 tỷ đồng sau khi mua gom gần 3.000 tỷ đồng trong tuần trước đó. Có phần trái ngược, đây lại là tâm điểm thu hút phần lớn lực cầu khối ngoại khi được mua gom hơn 480 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, lực xả của các cá nhân nội còn tìm đến nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt (250 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (127 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (127 tỷ đồng),...
Chiều ngược lại, quy mô mua ròng ở các cổ phiếu hóa chất được đẩy mạnh lên mức 156 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần và là nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tuần. Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch tương đối tích cực trong tuần qua còn có bán lẻ (52 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (41 tỷ đồng) và dầu khí (38 tỷ đồng).
Tâm điểm bán ròng cổ phiếu ngân hàng: STB, TCB
Danh mục Top10 bán ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản với 8 đại diện đến từ hay nhóm này.
Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với 426 tỷ đồng, bỏ khá xa mã đứng thứ hai là GAS với 272 tỷ đồng.
Lực xả tập trung trong phiên đầu tuần khi STB giảm kịch sàn giữa đà bán tháo của thị trường. Trái ngược với các cá nhân, cổ phiếu ngân hàng này lại được cả khối ngoại, khối tự doanh và các tổ chức nội mua ròng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh STB, một số đại diện của các nhà băng cũng bị xả ròng với giá trị trên trăm tỷ đồng còn có TCB (213 tỷ đồng), VPB (124 tỷ đồng).
Kế đó, cá nhân trong nước cũng bán ròng 272 tỷ đồng cổ phiếu GAS của Tổng CTCP Khí Việt Nam, trước khi bán ròng nhẹ hơn ở một số cổ phiếu như GMD (216 tỷ đồng), MSN (166 tỷ đồng), SAB (121 tỷ đồng). Trái ngược tuần trước, các cá nhân cũng đảo chiều bán ròng VHM (215 tỷ đồng), DXG (174 tỷ đồng), KBC (143 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, giao dịch rót vốn ròng tập trung ở cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup với giá trị lên đến 207 tỷ đồng. Xu hướng giao dịch tích cực ở cổ phiếu này xuất hiện sau khi thị giá VIC đã điều chỉnh về vùng đáy 1 năm ở 82.000 đồng/cp.
Mặc dù chốt lời loạt cổ phiếu ngân hàng, các cá nhân lại rót ròng 207 tỷ đồng vào mã HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM. Lũy kế cả năm 2021, HDB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 8.070 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với năm trước và hoàn thành vượt 11% so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, dòng vốn cá nhân còn tìm đến VNM (145 tỷ đồng), APH (143 tỷ đồng), DPM (138 tỷ đồng). Theo sau, lực cầu dưới 100 tỷ đồng cũng được ghi nhận tại các đại diện DCM, FRT, PVT, SCR, E1VFVN30...