|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh giảm bán ròng cổ phiếu BĐS, trong khi mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng tuần đáo hạn phái sinh, tâm điểm STB, TCB

08:16 | 19/02/2022
Chia sẻ
Với 3/5 phiên xuống tiền nâng đỡ thị trường, bộ phận tự doanh mua ròng tổng cộng 82 tỷ đồng trong tuần 14 - 18/2. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 92 tỷ đồng, trong đó hoạt động giải ngân tập trung ở rổ VN30.

Tuần 14 - 18/2, thị trường đối mặt với nhiều thông tin quốc tế quan trọng như lạm phát cao kỷ lục tại Mỹ và căng thẳng Nga - Ukraine. VN-Index đã có phiên giảm mạnh ngay đầu tuần, giảm về vùng 1.470 với mức giảm gần 30 điểm. Sau phiên hoảng loạn, thị trường đã cân bằng tại 1.470 và hồi phục nhanh sau đó.

VN-Index dao động trong biên độ hẹp trong 3 phiên sau đó. Bất chấp thị trường thế giới giảm mạnh, chỉ số đã thành công trụ được ngưỡng 1.500 khi chốt tuần tại 1.504,84. Tính chung cả tuần, chỉ số chính sàn HOSE đã tăng 3,13 điểm (0,21%).

Ảnh hưởng chính đến VN-Index vẫn là bluechips, trong đó MSN dẫn đầu chiều tăng khi giúp chỉ số tăng 4,1 điểm. Tuần vừa qua cũng chứng kiến sự bứt phá của nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, điển hình là DIG với mức tăng 32,6% trong tuần, ngoài ra còn có DXG (+10,8%), CII (+16,2%),...

Chiều giảm điểm chịu áp lực lớn từ nhóm ngân hàng với 9/10 đại diện nằm trong Top10 ảnh hưởng lên VN-Index. Tuần qua cổ phiếu vua đã làm chỉ số bốc hơi 17,4 điểm.

Liên quan đến giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, khối này mua bán tương đối cân bằng, dù vậy cán cân giao dịch nghiêng nhẹ về bên mua. Với 3/5 phiên xuống tiền nâng đỡ thị trường, bộ phận tự doanh mua ròng tổng cộng 82 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 92 tỷ đồng, trong đó hoạt động giải ngân tập trung ở rổ VN30.

Tự doanh giảm bán ròng cổ phiếu BĐS, trong khi mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng tuần đáo hạn phái sinh, tâm điểm STB, TCB - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch khối tự doanh mua/bán ròng tuần 14 - 18/2. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Áp lực bán ròng tại nhóm bất động sản tiếp tục hạ nhiệt

Xét giao dịch theo từng nhóm ngành, quy mô rút ròng tăng mạnh ở nhóm thực phẩm & đồ uống với 171 tỷ đồng. Đây cũng là ngành duy nhất bị khối tự doanh rút ròng trên trăm tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu địa ốc tiếp tục nằm trong danh mục bán ròng với hơn 53,5 tỷ đồng.

Nối tiếp, lực xả của khối tự doanh còn tìm đến các nhóm bán lẻ (26,5 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (16,5 tỷ đồng), công nghệ thông tin, bảo hiểm,...

Tự doanh giảm bán ròng cổ phiếu BĐS, trong khi mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng tuần đáo hạn phái sinh, tâm điểm STB, TCB - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của khối tự doanh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng duy trì phong độ là nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tuần khi được mua ròng hơn 263 tỷ đồng. Tuy vậy, giá trị mua gom ở nhóm này đã phần nào thu hẹp, chỉ tương đương 87% quy mô trong tuần trước đó.

Kế tiếp, lực cầu cá nhân cũng hướng tới với các cổ phiếu tài nguyên cơ bản khi rót ròng 56 tỷ đồng vào nhóm này. Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch tương tự trong tuần qua còn có điện nước xăng dầu khí đốt, hàng & dịch vụ công nghiệp, xây dựng & vật liệu,... với giá trị thấp hơn.

Tự doanh chủ yếu mua ròng bluechips, trong khi chốt lời nhiều nhất cổ phiếu MSN

Tự doanh giảm bán ròng cổ phiếu BĐS, trong khi mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng tuần đáo hạn phái sinh, tâm điểm STB, TCB - Ảnh 3.

Cổ phiếu STB của Sacombank dẫn đầu danh mục Top10 mua ròng của khối tự doanh trong tuần 14 - 18/12. (Ảnh: Thu Thảo).

Danh mục Top10 mua ròng của khối tự doanh có tới 9 đại diện là cổ phiếu trụ trong rổ VN30, tuy vậy lực mua vẫn còn dè chừng khi không mã nào được mua ròng trên trăm tỷ đồng.

Dẫn đầu trong Top mua ròng là cổ phiếu STB với 73,9 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu của Sacombank giảm kịch sàn ngay trong phiên đầu tuần, do đó dù mã này có nhịp hồi sau đó, tính chung cả tuần STB vẫn mất 6% giá trị.

Kế đó, bộ phận tự doanh cũng gom ròng 63,8 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Liên quan đến tình hình hoạt động, mới đây đại diện Hòa Phát vừa cho biết doanh nghiệp này đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng. Dự kiến cuối quý I này sẽ khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2024.

Hoạt động giải ngân của tự doanh còn hướng tới các bluechips như VRE (63,1 tỷ đồng), GAS (24,1 tỷ đồng), cùng loạt mã ngân hàng như TCB (50 tỷ đồng), CTG (32 tỷ đồng), MBB (31 tỷ đồng) và ACB (17,6 tỷ đồng).

Theo quan sát, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang là mã duy nhất không thuộc rổ VN30. Sau nhịp chiết khấu gần 30% từ vùng đỉnh lịch sử về vùng giá 129.200 đồng/cp vào phiên 18/1, giá cổ phiếu DGC đã hồi phục từ vùng đáy ngắn hạn và đóng cửa phiên cuối tuần này tại mốc 151.200 đồng/cp.

Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa thông báo chuyển nhượng toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang, tương ứng 3,53% vốn điều lệ. Giao dịch được dự kiến thực hiện từ ngày 3/3 đến 23/3 theo phương thức khớp lệnh trên HOSE.

Trước đó, Vinachem cũng từng đăng ký bán toàn bộ 15 triệu đơn vị DGC trong thời gian từ ngày 8/11 đến ngày 7/12/2021. Tuy nhiên, Vinachem chỉ bán được hơn 9 triệu cổ phiếu do thị trường biến động mạnh.

Sang đến đầu năm 2022, Vinachem tiếp tục đem hơn 6 triệu cổ phần DGC còn lại ra bán, kết quả vẫn là không bán được cổ phiếu nào do thị trường không thuận lợi.

Tự doanh giảm bán ròng cổ phiếu BĐS, trong khi mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng tuần đáo hạn phái sinh, tâm điểm STB, TCB - Ảnh 4.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 14 - 18/2. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, giao dịch rút vốn tập trung ở cổ phiếu MSN với giá trị lên đến 142,4 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng thứ hai là NVL với 44,4 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời cổ phiếu của Tập đoàn Masan diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh giá mã này có nhịp tăng gần 3,6% sau một tuần và là quán quân đóng góp điểm số cho VN-Index.

Thông tin từ Masan, tháng 1/2022, công ty đã tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 51% sau khi mua lại 31% cổ phần chuỗi đồ uống này. Cụ thể, Masan đã chi 110 triệu USD cho 31% cổ phần này, tương ứng với định giá 355 triệu USD của Phúc Long, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.

Bên cạnh đó, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi DXG (39,7 tỷ đồng), MWG (26,2 tỷ đồng), DPM (24,1 tỷ đồng), KDH (20,6 tỷ đồng), AGM (18,3 tỷ đồng) và HSG (10,9 tỷ đồng). Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng E1VFVN30 và FUESSVFL với giá trị lần lượt là 9,8 tỷ và 9,1 tỷ đồng.

Thu Thảo