|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu du lịch và hàng không đồng loạt xanh tím: Tiềm năng thực sự ra sao?

19:17 | 18/02/2022
Chia sẻ
Các cổ phiếu hàng không và du lịch đi lên trên diện rộng sau thông tin Việt Nam mở cửa hai lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia đánh giá triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới là tương đối khả quan.
Cổ phiếu du lịch và hàng không đồng loạt xanh tím: Tiềm năng thực sự ra sao? - Ảnh 1.

Quần thể FLC Quy Nhơn, tháng 2/2022. (Ảnh: Đức Quyền).

Từ ngày 15/2 vừa qua, Việt Nam dỡ bỏ mọi hạn chế về tần suất bay quốc tế, cho phép các hãng hàng không khai thác tùy theo nhu cầu, năng lực và thỏa thuận với các đối tác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây cũng đồng ý với đề xuất về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3.

Sau khi các thông tin này được công bố, các cổ phiếu hàng không và du lịch đã đồng loạt tăng giá. Mã OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH đã đi lên ba phiên liên tục, trong đó có một phiên kịch trần 10%, DAH của Tập đoàn Khách sạn Đông Á và NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cùng tăng trần hai ngày liên tiếp.

Cổ phiếu hàng không như HVN của Vietnam Airlines, VJC của Vietjet Air, NCS của Suất ăn Hàng không Nội Bài cũng khởi sắc.

Cổ phiếu du lịch và hàng không đồng loạt xanh tím: Tiềm năng thực sự ra sao? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu hàng không và du lịch phiên 18/2. (Ảnh chụp màn hình: Đức Quyền).

Cái khó của du lịch Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng nước ta đến 15/3 mới bắt đầu mở cửa du lịch là khá chậm so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Philippines.

Thái độ của chính phủ Việt Nam còn tương đối thận trọng, phát ngôn còn dè dặt, chưa quyết liệt chính sách mở cửa du lịch, ông Vũ Thế Bình phát biểu trong Tọa đàm Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam do Tập đoàn FLC phối hợp tổ chức.

Trong quá trình triển khai chính sách của trung ương, các địa phương cũng thiếu sự nhất quán, mỗi nơi một kiểu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch lấy ví dụ gần đây một số người dân về quê ăn Tết bị lãnh đạo địa phương khóa cổng không cho ra ngoài, trong khi các địa phương khác lại không áp dụng biện pháp này.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng Cục Du lịch thì chỉ ra hai khó khăn khác. Một là cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của ngành du lịch đang thiếu hụt sau hai năm chống chọi với COVID.

Hai là một số thị trường khách lớn của Việt Nam như Hàn Quốc và Trung Quốc chưa mạnh dạn mở cửa. Trung Quốc vẫn đang quyết liệt áp dụng chính sách zero-Covid và chưa nối lại các chuyến bay thường lệ.

"COVID không giết được du lịch"

Tổng cục Du lịch cho biết, trong 9 ngày Tết Nhâm Dần (từ 29/1 đến 6/2), ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, thuộc Tổng Cục Du lịch nói: "COVID-19 không giết được ngành du lịch, chỉ làm tạm thời đình trệ một giai đoạn mà thôi. Sau khi chúng ta từng bước khống chế được COVID thì du lịch sẽ phục hồi".

"Du lịch là một nhu cầu thiết yếu như ăn như uống, gắn với cuộc sống của con người. Chúng tôi tin tưởng ngành du lịch sẽ phát triển trở lại", ông Đức nói thêm. Trong thời gian tới, Vụ Thị trường Du lịch sẽ làm việc với các hãng thông tấn lớn như CNNCNBC để quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường quốc tế.

Cổ phiếu du lịch và hàng không đồng loạt xanh tím: Tiềm năng thực sự ra sao? - Ảnh 3.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch. (Ảnh: FLC).

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho biết các cơ quan liên quan đã kiến nghị với chính phủ nhiều giải pháp cụ thể để mở cửa du lịch trở lại từ 15/3.

Thứ nhất, Việt Nam dự kiến sẽ không chỉ mở cửa đường hàng không bằng cách nối lại các chuyến bay quốc tế mà sẽ mở cả đường bộ và đường biển. Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Thứ hai, nước ta có thể sẽ áp dụng thị thực (visa) điện tử, miễn visa song phương với 88 nước và miễn visa đơn phương với 13 nước tương tự như đã làm trong thời kỳ trước dịch.

Thứ ba, hành khách làm xét nghiệm COVID cho kết quả âm tính xong có thể được tự do đi du lịch (test and go) với điều kiện chú ý theo dõi sức khỏe.

Thứ tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu khách quốc tế khi vào Việt Nam chỉ phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 20.000 USD trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với mức 50.000 USD như trước đây.

Cổ phiếu du lịch và hàng không đồng loạt xanh tím: Tiềm năng thực sự ra sao? - Ảnh 5.

Số chuyến bay trong tháng 1 vừa qua đã đi lên đáng kể so với các tháng liền trước.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cũng cho rằng Việt Nam bây giờ mới tính chuyện mở cửa du lịch là hơi muộn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là khi đến dự tọa đàm tại quần thể FLC Quy Nhơn, ông không thấy các bàn xét nghiệm COVID, chứng tỏ doanh nghiệp du lịch tin tưởng hành khách đã tiêm vắc xin và âm tính, coi du khách là cơ hội chứ không phải nguy cơ.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết lượng du khách đến tỉnh trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua rất đông, ngồi kín các hàng quán dọc đường.

Về phía các doanh nghiệp làm du lịch, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC chia sẻ, trong ba tháng cuối năm 2021 và tháng đầu 2022, lượng khách nội địa đến với FLC và các điểm du lịch khác cải thiện rõ rệt.

Cổ phiếu du lịch và hàng không đồng loạt xanh tím: Tiềm năng thực sự ra sao? - Ảnh 6.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC chia sẻ tại sự kiện chiều 18/2. (Ảnh: FLC).

Những ngày gần đây, hệ thống quần thể của FLC đón khoảng 50.000 lượt khách, riêng FLC Quy Nhơn đón 10.000 lượt khách. Trong năm 2021, các sân golf của FLC phải đóng cửa trong thời gian dài vì dịch. Nhưng đến các ngày cuối năm, các sân golf phải hoạt động hết công suất, có những ngày 4 sân golf của FLC đón trên 1.000 khách, ông Hùng cho hay.

Kết phiên 18/2, giá cổ phiếu FLC tăng 1,6% lên 12.700 đồng/cp.

Đức Quyền