|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 14 - 18/2: Khối ngoại đảo chiều gom tới 1.600 tỷ đồng, tập trung gom bất động sản nhưng xả mạnh HPG

08:30 | 19/02/2022
Chia sẻ
Trong tuần nhiều biến động của thị trường thế giới, khối ngoại đảo chiều mua ròng gần 1.600 tỷ đồng trên cả ba sàn. Trong đó, dòng tiền ngoại có xu hướng chốt lời tại một số mã giao dịch tích cực như MSN, GAS, TNG và tìm đến nhóm bất động sản như KBC và DXG.

Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến các nhịp tăng giảm mạnh xen kẽ với với tâm lý thận trọng bao trùm trước những căng thẳng chính trị trên thế giới và lo ngại Fed tăng lãi suất. 

Phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đột ngột giảm gần 30 điểm trước đà bán tháo của cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành chiếm tới 30% vốn hoá thị trường. Tuy nhiên, trong các phiên giao dịch tiếp theo, tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.470 - 1.480 điểm, VN-Index đã bắt đầu đón dòng tiền của nhà đầu tư và có hai phiên hồi phục khá tốt trước khi giảm nhẹ ở phiên cuối tuần. 

Tính chung cả tuần, VN-Index tăng nhẹ 3,13 điểm (tương đương 0,21%) trong khi HNX-Index tích cực hơn, tăng 2,04% so với tuần trước.

Về yếu tố dòng tiền, thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức thấp khi giá trị giao dịch trung bình trên sàn HOSE đạt gần 21.326 tỷ đồng/phiên và sàn HNX đạt trung bình gần 1.979 tỷ đồng/phiên.

Điểm nhấn tích cực là khối ngoại trở lại giải ngân 1.590 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán tuần này với 3/5 phiên mua ròng. 

Tính cả kênh khớp lệnh và thoả thuận, cổ phiếu bất động sản là điểm sáng trong giao dịch khối ngoại trong tuần với quy mô mua ròng 583 tỷ đồng. 17/25 nhóm ngành khác cũng hút dòng tiền của NĐT nước ngoài, có thể kể đến chứng khoán (379 tỷ đồng), nước và khí đốt (249 tỷ đồng), ngân hàng (233 tỷ đồng)...

Khối ngoại gom bất động sản, xả HPG trên sàn HOSE

Trái ngược xu hướng trong tuần trước, khối ngoại quay trở lại mua ròng tại sàn HOSE, tập trung qua giao dịch khớp lệnh với giá trị 1.455 tỷ đồng. 

Thống kê giao dịch theo từng mã, MSN của Tập đoàn Masan là mã được giao dịch tích cực nhất trong tuần với gần 304 tỷ đồng mua ròng, trong đó giá trị giao dịch chủ yếu được ghi nhận trong phiên 15/2. Trong tuần qua, MSN là mã có ảnh hưởng tốt nhất đến VN-Index, đóng góp tổng cộng hơn 0,3% vào đà tăng của chỉ số chính.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tập trung mua ròng cổ phiếu KBC gần 238 tỷ đồng. Một mã bất động sản khác cũng thuộc khẩu vị ưa thích của nhóm này là DXG với giá trị 174 tỷ đồng. 

Đáng chú ý nhất là động thái liên tục gia tăng sở hữu tại Đất Xanh của Dragon Capital. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm quỹ này đã mua vào 18,8 triệu cổ phiếu DXG, nâng tỷ lệ sở hữu vượt 21% như hiện tại. Trong đó, VEIL (quỹ quy mô lớn nhất Dragon Capital) hiện đang nắm giữ gần 31 triệu cổ phiếu DXG, tương đương 5,2% và là một cổ đông lớn tại Đất Xanh.

Kế đến, NĐT nước ngoài cũng mạnh tay gom hai mã GAS và STB với cùng giá trị 236 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng giải ngân vào một số nhóm ngành khác, như GMD (196 tỷ đồng), VHM (137,5 tỷ đồng), SAB (113 tỷ đồng), GEX (107 tỷ đồng) và PNJ (103 tỷ đồng).

Tuần 14 - 18/2: Khối ngoại đảo chiều mua ròng tới 1.600 tỷ đồng, tập trung gom bất động sản nhưng xả mạnh HPG - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chiều ngược lại, "anh cả" ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) chịu áp lực rút ròng lớn nhất với 249 tỷ đồng trong tuần. HPG và cổ phiếu ngành thép nói chung ghi nhận giao dịch khá tích cực từ đầu tháng 2 đến nay sau giai đoạn giảm mạnh, do đó dòng tiền trên thị trường có xu hướng chốt lời. 

Duy nhất đại diện ngành ngân hàng là HDB góp mặt trong top bị khối ngoại bán ròng với quy mô 235 tỷ đồng. Hai cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VRE cũng bị xả lần lượt 199 tỷ đồng và 78 tỷ đồng, ngoài ra còn có VNM (101 tỷ đồng). 

Mặc dù không bùng nổ như nhiều nhóm ngành khác, hoá chất cũng gây ấn tượng với đà đi lên mạnh mẽ từ cuối tháng 1. Theo đó, đồng thuận với xu hướng chốt lời ở nhóm hóa chất, khối ngoại cũng bán ròng DCM (69 tỷ đồng) và DPM (42 tỷ đồng). 

Một số mã được NĐT nước ngoài bán ròng nhẹ hơn bao gồm FRT (36 tỷ đồng), DIG (32 tỷ đồng) và DHC (25 tỷ đồng).

Sàn HNX: Chốt lời TNG trước đà tăng 20%

Thống kê tại HNX, khối ngoại mua vào 97 tỷ đồng và bán ra về giá trị 136 tỷ đồng, theo đó bán ròng khoảng 39 tỷ đồng trong tuần qua.

Dẫn đầu tại chiều bán là cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG với gần 64 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung vào phiên cuối tuần (18/2). Đây có thể được xem là động thái chốt lời từ khối ngoại khi thị giá TNG tăng mạnh 22% chỉ trong 2 tuần trở lại đây.

Theo sau, các mã bị rút ròng chủ yếu là PVS (25 tỷ đồng), VCS (13 tỷ đồng), CEO (3,5 tỷ đồng)... Đây là những cổ phiếu midcap quá quen thuộc trong danh sách mua/bán ròng của khối ngoại các tuần. 

Tuần 14 - 18/2: Khối ngoại đảo chiều mua ròng tới 1.600 tỷ đồng, tập trung gom bất động sản nhưng xả mạnh HPG - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp)

Chiều ngược lại, giao dịch mua ròng diễn ra mạnh nhất tại cổ phiếu THD với 40,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã còn lại đều thu hút lượn vốn ngoại không quá 11 tỷ đồng, có thể kể đến PLC, SCI, PVI, APS...

Đảo chiều mua ròng BSR trên UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại vẫn chưa chấm dứt xu hướng mua ròng khi tiếp tục giải ngân ròng gần 31 tỷ đồng.

Trái ngược với xu hướng bán ròng tuần trước, khối này đã trở lại gom 14 tỷ đồng cổ phiếu BSR trong tuần này. 

Theo thông tin từ buổi gặp mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hơn 91.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng.

Năm 2021, BSR đạt 101.079 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6.673 tỷ - con số cao nhất kể từ sau cổ phần hóa. Như vậy, năm 2022, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của BSR giảm lần lượt 10% và 79% so với năm 2021.

Ngoài ra, NĐT nước ngoài mua ròng tại các mã khác với giá trị không quá 5 tỷ đồng với một số cái tên quen thuộc như VTP, VEA, VOC, QNS...

Ngược lại, giao dịch bán ròng của khối này diễn ra khá ảm đạm, bị xả mạnh nhất là ABI với 4,4 tỷ đồng. Danh mục bán ròng kế tiếp có sự xuất hiện của ACV, BVB, HVG, HPP...

Tuần 14 - 18/2: Khối ngoại đảo chiều mua ròng tới 1.600 tỷ đồng, tập trung gom bất động sản nhưng xả mạnh HPG - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp)

Bảo Ngọc

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.