|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu bất động sản trở lại chiếm sóng trong nhóm tăng mạnh nhất, sắc tím khiến NĐT quên cảnh nằm sàn la liệt cách đây không lâu?

18:03 | 19/02/2022
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch (14 - 18/2), cổ phiếu bất động sản hồi phục trở lại khiến sự quan tâm của nhà đầu tư trở nên lớn hơn. Phần vì những người "đu đỉnh" trước đó mong được hòa vốn, số khác hào hứng với mức lợi nhuận cao chỉ trong ít phiên.

Cổ phiếu bất động sản đã "làm mưa làm gió"  thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Dòng tiền đầu cơ ồ ạt đổ vào nhóm này sau "hiệu ứng Thủ Thiêm" đẩy giá cổ phiếu bỗng chốc tăng bằng lần. Khi đó loạt diễn đàn hội nhóm về chứng khoán tung hô nhóm cổ phiếu này như là "những món quà của thượng đế", "những cơ hội làm giàu ngàn năm có một không thể bỏ qua".

Giao dịch với kịch bản "nước nổi bèo nổi", cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng giá, nhà đầu tư nhắm mắt mua bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp trong diện bị cảnh bảo. Đơn cử, cổ phiếu CEO tăng giá vài lần chỉ sau ít tháng dù Tập đoàn C.E.O kinh doanh thua lỗ. 

Nhìn đồ thị giá cả nhóm khi đó, câu chuyện quả bong bóng nổ chỉ là điều sớm muộn, nhưng không ai biết khi nào dòng tiền đầu cơ nguội đi. 

Thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc khu đất đấu giá tại Thủ Thiêm châm ngòi kích nổ quả bong bóng. Nhiều cổ phiếu "ăn theo" đợt đầu giá đã nằm sàn la liệt như CII, QCG.

Mã CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM đảo chiều giảm sâu từ vùng đỉnh trên 60.000 đồng/cp xuống vùng đáy quanh 25.000 - 26.000 đồng/cp. Tài khoản của nhà đầu tư bốc hơi 40 - 50% chỉ trong ít phiên giao dịch. Không ít người mất đi toàn bộ số tiền lãi kiếm được kể từ đầu năm chỉ vì "đu đỉnh" cổ phiếu bất động sản.

Tình trạng cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sâu khiến giới đầu tư lo ngại sự tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán bởi đây là nhóm cổ phiếu lớn thứ hai thị trường, xếp sau nhóm ngân hàng. Trước cảnh "chịu vạ lây" với nhóm bất động sản, các công ty chứng khoán phải lên tiếng trần tình chưa chịu thiệt hại khi cho vay margin.

Cho đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn đang lỗ nặng khi nắm giữ nhiều cổ phiếu bất động sản dù các mã đang có tín hiệu tạo đáy và đảo chiều tăng lại. Trong tuần giao dịch (14 - 18/2), sự hồi phục của nhóm có phần rõ nét hơn. Quan sát trên hai sàn HOSE và HNX, dường như các mã bất động sản chiếm ưu thế nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất.

Cổ phiếu bất động sản trở lại chiếm sóng trong nhóm tăng mạnh nhất, sắc tím khiến NĐT quên cảnh nằm sàn la liệt cách đây không lâu? - Ảnh 1.

Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE. Nguồn: Algo Platform.

Thống kê trên sàn HOSE, mã VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC dẫn đầu với tỷ lệ tăng giá 39,66%. Tuần giao dịch này (14 - 18/2), mã VRC đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp. Cổ phiếu này đi ngược nhóm bất động sản thời gian vừa qua và đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử. Đóng cửa phiên 18/2, mã VRC dừng ở 36.450 đồng/cp.

Nhiều mã bất động sản khác cũng ghi nhận mức tăng giá trên 15% như DIG (32,61%), LDG (18,77%) hay DRH (18,08%). Ngoài ra, thị trường ghi nhận nhiều trường hợp khác có mức tăng giá trên 10% tuần qua như CII, TCH, SCR, DXG.

Tuy nhiên, thị giá nhóm bất động sản hiện tại vẫn đang thấp hơn 20 - 30% so với vùng đỉnh được thiết lập. Ví như mã DIG, vùng đỉnh của cổ phiếu này gần 120.000 đồng/cp, tức cổ phiếu phải có mức tăng khoảng 30% từ mức giá hiện nay 91.500 đồng/cp, khi đó nhà đầu tư mới có thể "về bờ".

Cổ phiếu bất động sản trở lại chiếm sóng trong nhóm tăng mạnh nhất, sắc tím khiến NĐT quên cảnh nằm sàn la liệt cách đây không lâu? - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HNX. Nguồn: Algo Platform.

Tương tự trên sàn HNX, cổ phiếu bất động sản cũng lọt nhóm tăng giá mạnh như CEO, L18. Trong tuần này, giá mã CEO tăng từ 55.500 đồng/cp lên 71.500 đồng/cp, tương ứng mức tăng giá 28,83%. Cổ phiếu L18 có mức tăng trên 20%.

Khác với sự trầm lắng những ngày trước đó, sự trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản khiến sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm này trở nên lớn hơn. Phần vì nhà đầu tư kỳ vọng có thể "về bờ" hoặc bán cắt lỗ cổ phiếu đã mua trong nhịp tăng trước đó. 

Số khác lại đang hào hứng khi dễ dàng kiếm được mức lợi nhuận hai con số nhờ "bắt đáy" nhóm này chỉ sau một tuần giao dịch trong khi cổ phiếu ngân hàng không còn tích cực như hai tuần trước đó. Có lẽ rằng sắc tím hiện tại đã khiến nhà đầu tư quên hết cảnh tượng cổ phiếu đồng loạt giảm sàn cách đây không lâu?

Hoàng Linh