|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 13 - 17/9: NĐT cá nhân duy trì mua ròng, chi nghìn tỷ đỡ giá cổ phiếu ‘họ Vingroup’ và đối ứng lực bán ETF

09:42 | 18/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần ETF ngoại cơ cấu danh mục (13 - 17/9), nhà đầu tư cá nhân tiếp tục vai trò lực cầu lớn trên sàn HOSE đặc biệt trong hai phiên cuối tuần, giúp chỉ số thành công vượt ngưỡng 1.350 điểm.

Thị trường chứng khoán vượt qua tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và phiên đáo hạn phái sinh tháng 9 bằng việc vượt ngưỡng 1.350 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất trong tuần.

Mặc dù dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch tích cực ở nhóm bluechips, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng trong hai phiên cuối tuần đóng vai trò lớn cho sự đi lên của VN-Index. Đóng cửa tuần (13 - 17/9), VN-Index có thêm 7,33 điểm, tương đương 0,54% và dừng lại ở mức 1.352,64 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh được đưa lên mức cao nhất trong tuần nhờ phiên cuối cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, giá trị khớp lệnh đạt gần 23.700 tỷ đồng so với mức bình quân 17.200 tỷ đồng ở 3 phiên trước đó. Theo đó, thanh khoản bình quân trong tuần tại HOSE đạt 21.038 tỷ đồng, giảm 6,46% so với tuần trước đó.

Nhà đầu tư cá nhân  - Ảnh 1.

Giao dịch khớp lệnh sàn HOSE theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Nhà đầu tư cá nhân ghi nhận giao dịch bán ròng tại HOSE trong ba phiên đầu tuần, chấm dứt chuỗi 8 phiên mua ròng trước đó sau khi chỉ số liên tục vận động giằng co trước ngưỡng cản 1.350 điểm. Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều cho thấy dòng tiền chưa sẵn sàng nhập cuộc trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Tuy vậy, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechips trong ngày thứ Năm và thứ Sáu đã thu hút dòng tiền cá nhân trở lại với quy mô trên 1.000 tỷ đồng. Lũy kế trong tuần, nhóm này rót ròng 1.649 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tiếp tục là lực cầu lớn nhất tại HOSE.

Đồng thuận với cá nhân, các tổ chức nội cùng nhóm tự doanh công ty chứng khoán đồng loạt rót ròng với quy mô trên 1.000 tỷ đồng vào thị trường. Chiều ngược lại, lực xả từ nhà đầu tư ngoại cùng các quỹ ETF trong tuần cơ cấu đẩy quy mô rút ròng tại HOSE lên mức 3.871 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản tiếp tục thu hút lượng lớn dòng tiền

Theo thống kê từ Fiinpro, các cá nhân trong nước mua ròng tại 9/18 nhóm ngành. Quy mô dòng tiền nhìn chung suy giảm nhẹ so với tuần trước do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến giằng co trong những phiên đầu tuần.

Về giá trị, nhóm bất động sản thu hút hơn 2.088 tỷ đồng mua ròng, giảm 1.700 tỷ đồng so với tuần trước. Nhóm này tiếp tục ghi nhận giao dịch tích cực nhất từ các cá nhân, thu hút lượng lớn lực cầu trong tuần.

Theo sau, các cá nhân giải ngân ròng nhẹ hơn vào nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (226 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (131 tỷ đồng) và bảo hiểm (109 tỷ đồng).

Nhà đầu tư cá nhân  - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chuyển sang phía bán, nhóm tài nguyên cơ bản với đại diện là các cổ phiếu thép chịu áp lực xả lớn nhất trong tuần. Giá trị rút ròng khớp lệnh tại nhóm này đạt 347 tỷ đồng, gần như tương đương với giao dịch trong tuần trước.

Lực xả tập trung tại ngành thực phẩm & đồ uống (273 tỷ đồng) sau chuỗi mua gom, nối tiếp rút ròng cổ phiếu ngân hàng trong những nhịp hồi phục của nhóm này.

Nhìn chung, việc dòng tiền cá nhân trong nước biến động tích cực trong hai phiên đáo hạn phái sinh và cơ cấu ETF là một trong những dấu hiệu tích cực cho thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo.

Tâm điểm mua ròng các mã VIC, VHM, NVL

Trong số 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tại HOSE tuần qua, giá trị mua ròng lớn nhất tập trung tại mã VIC của Tập đoàn Vingroup.

Mã này được mua ròng 1.322 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tương ứng hơn 15,2 triệu đơn vị cổ phiếu. Có thể thấy, giao dịch của các cá nhân đối ứng chủ yếu với lực bán mạnh từ khối ngoại.

Thống kê trong ngày 16/9, VIC có phiên khớp lệnh với khối lượng lớn nhất trong 5 năm trở lại đây với tổng gần 19 triệu cp. Trong đó, khối ngoại xả ròng hơn 12,9 triệu đơn vị VIC đưa giá cổ phiếu này về mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Diễn biến tương tự, VHM của Vinhomes cũng được mua ròng 346 tỷ đồng. Lực cầu từ các cá nhân giúp cổ phiếu VHM giữ được đà tăng 1,37% tại thời điểm kết phiên 17/9. Nối tiếp, một "ông lớn" khác của ngành bất động sản là NVL (Địa ốc Nova) cũng được mua ròng gần 320 tỷ đồng.

Dòng tiền vào bất động sản chiếm tới 25,7% giá trị giao dịch trong tuần. Tuy nhiên đây là ngành biến động tiêu cực nhất khi đánh mất 0,9% giá trị trong tuần qua. Theo nhận định của giới chuyên môn, thời điểm phục hồi của nhóm bất động sản sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ tiêm chủng và thời gian mở lại các sự kiện bán hàng trực tiếp.

Cùng chiều, dòng tiền cá nhân tập trung tại một số đại diện nhóm ngân hàng, gồm STB (155 tỷ đồng), VCB (144 tỷ đồng), HDB (103 tỷ đồng) trước khi mua gom nhẹ một số cổ phiếu khác như DGW, TCH, BVH, PDR...

NĐT cá nhân duy trì mua ròng, tập trung xuống tiền trong phiên đáo hạn phái sinh và ETF cơ cấu danh mục - Ảnh 3.

Top 10 mã được mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Ở phía rút ròng, giao dịch chủ yếu được ghi nhận tại cổ phiếu TPB của Tiên Phong Bank Mã này bị bán ròng 438 tỷ đồng, tương đương hơn 10,7 triệu đơn vị. Đây là một trong những cổ phiếu nhà băng giao dịch tích cực nhất tuần qua với 4 phiên tăng điểm, qua đó có thêm 9,09% giá trị.

Nối tiếp, lực xả tập trung tại cổ phiếu HPG của Hòa Phát với 308 tỷ đồng. Thống kê trong tháng 8, sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát giảm hơn 26% so với tháng 7 và giảm gần 17% so với cùng kỳ do dịch bệnh bóp nghẹt nhu cầu tiêu thụ và ngành thép nói chung đang bước vào giai đoạn thấp điểm.

Chiều bán ròng cũng chứng kiến giao dịch lượng lớn các bluechips như VND (217 tỷ đồng), MSN (135 tỷ đồng), SAB (132 tỷ đồng), TCB (131 tỷ đồng)....

Thảo Bùi