NĐT cá nhân quay lại mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tâm điểm mua gom VIC trong phiên chỉnh sâu
VN-Index hồi phục cuối phiên, cá nhân trong nước quay lại mua ròng
Sau khi biến động mạnh trong phiên chiều, chỉ số hồi phục nhẹ về cuối phiên chủ yếu nhờ lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn. Các cổ phiếu trong rổ VN30 giao dịch khá tích cực trong phiên đáo hạn phái sinh với 20 mã tăng, 7 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,04 điểm lên 1.345,87 điểm, HNX-Index tăng 2,49 điểm (0,71%) lên 353,24 điểm, UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (0,46%) lên 96,25 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 23.717 tỷ đồng, tương ứng hơn 883 triệu cổ phiếu được mua - bán. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE là 18.203 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với phiên hôm qua.
Ghi nhận tại sàn HOSE, sau ba phiên bán ròng, nhà đầu tư cá nhân giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 1.158 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh 1.082 tỷ đồng. Đồng thuận với các cá nhân, tổ chức trong nước cũng mua ròng 188 tỷ đồng còn tự doanh duy trì vào ròng nhẹ hơn.
Sau một phiên tạm nghỉ, khối ngoại quay lại bán ròng mạnh qua khớp lệnh 1.303 tỷ đồng. Giao dịch tập trung phần lớn ở nhóm cổ phiếu VIingroup, trong đó dòng tiền nước ngoài tập trung mua ròng VRE và vẫn bán ròng VIC, VHM dù giá trị bán ròng VHM đã giảm rất mạnh.
Dòng tiền quay lại nhóm bất động sản, tiếp tục rút ròng cổ phiếu ngân hàng
Tính riêng kênh khớp lệnh sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân mua ròng tại 9/18 ngành. Lực cầu tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản với gần 1.122 tỷ đồng mua ròng, so với giá trị giải ngân ròng chỉ 60 tỷ đồng trong phiên trước đó.
Động thái mua gom xuất hiện giữa lúc nhóm này giao dịch kém khả quan và lấy đi của chỉ số hơn 5,3 điểm. Trong đó, bộ đôi cổ phiếu "họ" Vingroup là hai tác động tiêu cực nhất cho đà tăng của VN-Index.
Nối tiếp, dòng tiền cá nhân giải ngân ròng nhẹ hơn vào các nhóm như hóa chất (95,4 tỷ đồng), bán lẻ (62,5 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (35,9 tỷ đồng)
Chiều ngược lại, giao dịch rút ròng phần lớn tập trung nhiều nhất ở nhóm cổ phiếu "vua" với quy mô hơn 166 tỷ đồng. Lực xả xuất hiện trong nhịp hồi phục tích cực của nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, TCB, BID, MBB...
Theo sau, dòng tiền cá nhân rút ròng khỏi thực phẩm đồ uống (53 tỷ đồng), nối tiếp bán ròng dưới 50 tỷ đồng một số nhóm như công nghệ thông tin, điện, nước & xăng dầu khí đốt...
Tâm điểm mua ròng mạnh nhất bộ đôi VIC, VHM
Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm tại chiều mua ròng là giao dịch hơn 1.071 tỷ đồng tại cổ phiếu VIC của Vingroup, theo sau bởi VHM (Vinhomes) với 126 tỷ đồng mua ròng.
Đối lập với các cá nhân, nhà đầu tư ngoại bán ròng trên 1.144 tỷ đồng cổ phiếu VIC. Theo tìm hiểu, những bên có đủ cổ phiếu đã bán ra có thể là SK Investment Vina II Pte. Ltd (hiện đang nắm giữ trên 200 triệu cổ phiếu VIC), và Credit Suisse với 48,3 triệu cổ phiếu VIC.
Trong phiên 16/9, VIC và VHM xuất hiện nhịp chỉnh sâu lần lượt 3,9% và 2,2%, khiến hai mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp giảm hơn 5,2 điểm.
Trở lại giao dịch trên sàn, dòng tiền cá nhân cũng mua vào hơn 78,2 tỷ đồng cổ phiếu DGW của Digiworld. Mới đây DGW thông báo triển khai phương án phát hành 500.000 cổ phiếu ESOP, tương đương 0,57% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, sau phương án phát hành ESOP, vốn công ty dự kiến tăng lên 890,5 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch mua ròng trong phiên làn lượt là DGC, NVL, DPM, HSG...
Trở lại phía bán, cổ phiếu MSN của Masan Group là mã bị rút ròng nhiều nhất gần 83 tỷ đồng. Áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện sau khi cổ phiếu MSN đã liên tục tăng mạnh trong những phiên gần đây, với phiên tăng trần trong ngày 15/9.
Cũng thuộc nhóm Vingroup nhưng dòng tiền cá nhân lại rút ròng gần 60 tỷ đồng tại VRE của Vincom Retai. Trong phiên 16/9, VRE giao dịch tích cực với hơn 14,8 triệu cổ phiếu được giao dịch, cao hơn mức bình quân 5 triệu đơn vị trước đó và đóng cửa có thêm 5,08% giá trị.
Theo sau, các cá nhân tập trung rút ròng nhẹ hơn một số cổ phiếu, trong đó nổi bật là nhóm ngân hàng với nhiều đại diện như MBB, CTG, TCB, VPB, TPB...