Phiên 16/9: Khối ngoại bán ròng mạnh với tâm điểm rút ròng trên 1.100 tỷ đồng khỏi cổ phiếu VIC
Mặc dù suy yếu ngay trước phiên đóng cửa, các chỉ số thị trường đều hồi phục nhẹ về cuối phiên chủ yếu nhờ lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn. Danh mục cổ phiếu trong rổ VN30 giao dịch có phần tích cực với 20 mã tăng giá, 7 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index tăng 0,04 điểm lên 1.345,87 điểm, HNX-Index tăng 2,49 điểm (0,71%) lên 353,24 điểm, UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (0,46%) lên 96,25 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 23.717 tỷ đồng, tương ứng hơn 883 triệu cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE là 18.203 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với phiên hôm qua.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên rút ròng mạnh nhất trong gần 1 tháng trở lại đây với giá trị lên tới 1.326 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này rút ròng 17.295.200 đơn vị trong phiên đáo hạn phái sinh tháng 9.
Đáng chú ý, cổ phiếu VIC của Vingroup bất ngờ bị xả ròng "khủng" hơn 1.144 tỷ đồng, đóng góp phần lớn giá trị bán ròng toàn sàn HOSE. Tương ứng về khối lượng, mã này bị rút ròng hơn 12,9 triệu đơn vị.
Giao dịch có phần trái ngược với dự đoán của các công ty chứng khoán khi ước lượng VIC sẽ mà một trong những mã được 3 quỹ ETF ngoại mua ròng nhiều nhất với khối lương 2,4 triệu cổ phiếu ngay trước phiên cơ cấu danh mục cuối cùng của các quỹ.
Áp lực xả trên diện rộng khiến VIC gặp nhịp chỉnh sâu trong phiên 16/9, đánh mất hơn 3,94% giá trị và là mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số khi kéo tụt 3,6 điểm của VN-Index.
Diễn biến tương tự, cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng giảm 2,2% giá trị sau khi cổ đông lớn KKR công bố hoàn tất giao dịch thoái một phần. Trong phiên 16/9, VHM tiếp tục bị khối ngoại xả ròng hơn 25,1 tỷ đồng.
Cùng chiều, dòng tiền ngoại cũng rút ròng lần lượt khỏi các mã DGW (83 tỷ đồng), DGC (43,2 tỷ đồng), VNM (40,3 tỷ đồng),...và bán ròng 25,3 tỷ đồng chứng chỉ ETF FUEVFVND.
Mặc dù cùng thuộc "họ" Vingroup, cổ phiếu VRE của Vìncom Retail lại thu hút hơn 78,1 tỷ đồng mua ròng, tương ứng về khối lượng 2,6 triệu đơn vị. Mã này thu hút thanh khoản tăng mạnh lên mức hơn 14,8 triệu đơn vị trong phiên, có thêm 5,08% giá trị và dừng lại ở 30.000 đồng/cp.
Theo sau, nhà đầu tư ngoại cũng rót vốn ròng vào nhiều bluechips như MSN (47,5 tỷ đồng), MBB (35,2 tỷ đồng), GMD (32,6 tỷ đồng), KDH (30,2 tỷ đồng) trước khi mua ròng nhẹ hơn một số cổ phiếu gồm HPG, CTG, GAS, PNJ, MSH...
Trên sàn HNX, khối ngoại đảo chiều bán ròng về giá trị trong phiên với hơn 2 tỷ đồng. Tuy vậy, họ vẫn mua ròng về khối lượng với 386.361 đơn vị cổ phiếu.
Cụ thể, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân và cổ phiếu BII của CTCP Louis Land lần lượt bị rút ròng 2,6 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, áp lực bán chốt lời xuất hiện sau khi BII tăng hơn 78% chỉ trong tháng 9, khiến cổ phiếu chính thức quay đầu giảm sàn với lực xả hơn 2,4 tỷ đồng.
Nối tiếp, dòng vốn ngoại tìm đến IDJ (1 tỷ đồng), PVG (949 triệu đồng), SHS (944 triệu đồng)...
Trở lại chiều mua, hai mã được mua ròng nhiều nhất tại HNX là CEO (2,8 tỷ đồng) và DL1 (1,9 tỷ đồng). Dòng vốn ngoại theo sau mua ròng tại các mã ACM (871 triệu đồng), PVS (800 triệu đồng), VCS (709 triệu đồng)...
Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoại tiếp tục rót vốn ròng với tổng giá trị lên tới 58,5 tỷ đồng. Về khối lượng nhóm này mua ròng tương ứng 1.076.321 đơn vị.
Tại phía mua, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi vẫn là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với giá trị 48,8 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu tuần, mã này đã thu hút hơn 80 tỷ đồng vốn ngoại, tương ứng hơn 1,48 triệu đơn vị.
Theo sau, lực cầu cũng tập trung tại ACV (13,1 tỷ đồng), BSR (3 tỷ đồng) và VTP (1,9 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, CTR của Viettel Construction bất ngờ bị rút ròng hơn 6,1 tỷ đồng. Nối tiếp, giao dịch bán ròng cũng được ghi nhận tại AMS (1 tỷ đồng), VEW (992 triệu đồng), MML (884 tỷ đồng)...