Đầu tư cổ phiếu nào đón sóng giải ngân đầu tư công vào mùa cao điểm?
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê (GSO), việc giải ngân đầu tư công trong tháng 8 đã cho thấy tín hiệu kém khả quan do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lũy kế từ đầu năm 2021, giải ngân NSNN đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,43% so với cùng kỳ, tương đương 51,1% kế hoạch.
Tính đến hiện tại, có 5 bộ và cơ quan Trung ương có kế hoạch giải ngân trên 5.000 tỷ đồng, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính đạt 4.501 tỷ đồng, thực hiện 40,7% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, 9 địa phương có kế hoạch giải ngân trên 10.000 tỷ đồng, trong đó 4/9 địa phương ước tính đã giải ngân trên 35% và chỉ có 1 địa phương giải ngân dưới 25% (Hà Nội ước đạt 13.505 tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch).
Tính riêng tháng 8, tốc độ tăng vốn đầu tư công giảm 7,1% so với tháng 7 và giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ bản, các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia không lo thiếu vốn, mà ngược lại, vốn đang đợi được giải ngân. Do đó, kiểm soát dịch bệnh là nút thắt đang cần được tháo gỡ để sớm phục hồi các hoạt động đầu tư, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo số liệu từ GSO, giải ngân vốn ngân sách năm 2021 sẽ đạt 513.129 tỷ đồng (bằng 96,1% kế hoạch giao bởi Thủ tướng Chính phủ). Ước tính giải ngân vốn ngân sách cho năm 2022 là 567.277 tỷ đồng.
Một trong những yếu tố, tiền đề góp phần đẩy mạnh đầu tư công là Nghị quyết 108/NQ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP và Nghị quyết số 63/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Mặc dù tiến độ giải ngân chưa đạt kỳ vọng, đây vẫn là yếu tố hỗ trợ chính cho nền kinh tế khi các động lực tăng trưởng khác như tiêu dùng, xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Điều này tạo động lực cho đà tăng của nhiều cổ phiếu hưởng lợi đầu tư công và vẫn tiếp tục còn dư địa trong thời gian tới.
Nhận định về nhóm ngành hưởng lợi, Chứng khoán BSC chỉ ra 3 nhóm ngành chính sẽ "đón sóng" đầu tư công gồm ngành vật liệu xây dựng (gồm thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường), ngành thi công (xây dựng, ETC, giao thông thông minh, xây dựng điện, vật liệu điện) và ngành bất động sản (BĐS) dân cư, khu công nghiệp.
Ghi nhận trong phiên 15/9, nhiều cổ phiếp ngành thép đã đồng loạt tăng điểm với những mã tăng kịch biên độ, dư mua giá trần như NKG (7%), POM (6,8%), TLH (6,8%).
Cổ phiếu HPG của "anh cả" Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng 2,6%, còn HSG của Tập đoàn Hoa Sen có lúc chạm giá trần rồi đóng cửa tăng 6,9%.
Như vậy, cả HSG, NKG và TVN đều đã phá đỉnh lịch sử trong ngày 15/9.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu từ các nhóm hưởng lợi được BSC khuyến nghị cũng tăng trưởng mạnh mẽ về cả giá và thanh khoản. Trong nhóm BĐS khu công nghiệp, KBC tăng 1% còn GVR đi lên 1,3%. Ngành xi măng cũng chứng kiến nhiều đại diện tăng trần như HT1 tăng 7%, BTS (9,8%), HOM (9,3%).
Đà tăng của những nhóm cổ phiếu trên xuất hiện sau khi nhiều địa phương, bao gồm hai "đầu tàu kinh tế" là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch mở cửa từng phần hoạt động kinh tế, mở ra triển vọng tháo gỡ các nút thắt và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn từ nay đến cuối năm.
Theo Chứng khoán BSC, cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của những nhóm ngành trên là vẫn còn khi cao điểm giải ngân vốn đầu tư công vẫn nằm ở trung hạn, tập trung ở giai đoạn 2022 - 2025. Công ty chứng khoán trên cũng đưa ra danh mục cổ phiếu nổi bật của chủ đề đầu tư công như HPG, HSG, VHM, KSB, PLC...