|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 15/9: VN-Index bật tăng điểm, khối ngoại chuyển mua ròng nhẹ

17:34 | 15/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.340 điểm, giao dịch khối ngoại có phần tích cực khi nhóm này chỉ còn bán ròng nhẹ hơn 18 tỷ đồng tại HOSE. Thống kê trên toàn sàn, nhóm này mua ròng hơn 10 tỷ đồng, tâm điểm là giao dịch mua gom cổ phiếu MSN trong phiên tăng trần.

VN-Index nới rộng đà tăng đến cuối phiên nhờ sắc xanh lan tỏa giữa hầu hết các nhóm ngành. Sau khi đóng cửa, chỉ còn 3 ngành chịu sức ép giảm điểm là ngân hàng, du lịch & giải trí và sản xuất thực phẩm.

Kết phiên, VN-Index tăng 6,13 điểm (0,46%) lên 1.345,83 điểm, HNX-Index tăng 2,89 điểm (0,83%) lên 350,75 điểm, UPCoM-Index tăng 0,8 điểm (0,84%) lên 95,81 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 24.718 tỷ đồng, tương ứng 995,8 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán. Trong đó thanh khoản sàn HOSE đạt 19.190 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,3% so với phiên giảm điểm trước đó.

Tại sàn HOSE, giao dịch khối ngoại cải thiện đáng kể khi nhóm này chỉ còn bán ròng về giá trị hơn 18 tỷ đồng, tương đương hơn 2,2 triệu đơn vị. Giao dịch tập trung ở thị trường cổ phiếu và chứng chỉ ETF nội.

Phiên 15/9: VN-Index bật tăng điểm, khối ngoại chuyển mua ròng nhẹ trên toàn sàn - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dẫn đầu tại chiều bán, VNM của Vinamilk bị bán ròng 72,2 tỷ đồng, trái ngược với sức mua nhẹ trong phiên trước.

Nối tiếp, cổ phiếu VHM của Vinhomes bị bán ròng 54,3 tỷ đồng, lực xả tiếp tục có tín hiệu giảm sau nhiều phiên bán ròng liên tục. Theo báo cáo mới đây, nhóm quỹ KKR đã hoàn tất bán ra gần 32 triệu cổ phiếu VHM ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, ước tính thu về hơn 3.400 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng rút ròng gần 50 tỷ đồng khỏi chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND. Theo sau, nhóm này duy trì bán ròng dưới 30 tỷ đồng tại nhiều mã, phần lớn thuộc rổ VN30 như GEX, CTG, HDB, PNJ, VIC, STB...

Phiên 15/9: VN-Index bật tăng điểm, khối ngoại chuyển mua ròng nhẹ trên toàn sàn - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại bên mua, cổ phiếu MSN của Masan Group bất ngờ đảo chiều trở thành mã được mua ròng nhiều nhất với hơn 92 đồng giá trị trong phiên. Giao dịch tích cực giúp MSN tăng giá mạnh trong phiên, đóng cửa ở mức giá trần 144.900 đồng/cp.

Theo thông tin từ HOSE, nhóm cổ đông GIC (Singapore) đã bán ra gần 19,5 triệu cp MSN trong phiên 1/9, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu cả nhóm xuống mức 8,69% vốn.

Dòng tiền ngoại có sự trở lại với nhóm thép với việc rót vốn ròng vào cả hai "ông lớn" HSG (54,8 tỷ đồng) và HPG (17,2 tỷ đồng). Cùng chiều, khối ngoại rót vốn ròng gần 30 tỷ đồng vào nhiều cổ phiếu như VHC (27,1 tỷ đồng), KKBC (26,5 tỷ dồng), MBB (24,1 tỷ đồng), SAB (12,1 tỷ đồng)....

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng về giá trị trong phiên thứ tư liên tiếp với 4,19 tỷ đồng. Về khối lương, nhóm này bán ròng nhẹ 1.492 đơn vị cổ phiếu.

Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tiếp tục là THD của ThaiHoldings với 11,9 tỷ đồng. Theo ước tính của các công ty chứng khoán, đây cũng là mã được ETF ngoại mua gom với giá trị lớn nhất trong tuần cơ cấu danh mục 13 - 17/9.

Theo sau, dòng tiền cũng mua vào hơn 3,5 tỷ đồng mã CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O, nối tiếp rót ròng nhẹ hơn dưới 1 tỷ đồng vào các mã như MBG, LAS, DL1, NBC...

Tại chiều bán, giao dịch tập trung chủ yếu ở hai cổ phiếu PLC của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (5,2 tỷ đồng) và PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (2,6 tỷ đồng). Lực xả cũng xuất hiện tại VNR (1,4 tỷ đồng) và API (1,1 tỷ đồng) trước khi bán ròng nhẹ hơn các mã THT, SMT, VKC...

Tại thị trường UPCoM, xu hướng mua ròng vẫn được duy trì với tổng quy mô giải ngân ròng là 24,5 tỷ đồng. Về khối lượng nhóm này mua ròng 311.884 đơn vị.

Nổi bật tại chiều mua là giao dịch gom ròng hơn 23,5 tỷ đồng cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi. Sau 8 tháng đầu năm, QNS báo cáo đã thực hiện 78% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Cùng chiều, dòng tiền tìm đến mã ACV (6,6 tỷ đồng) của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Nhìn chung, cổ phiếu ngành hàng không đã trở nên hấp dẫn trở lại trong những phiên gần đâu nhờ kỳ vọng vào khả năng dần mở cửa lại nền kinh tế.

Trái chiều, hai mã bị xả ròng mạnh nhất trong phiên là MML (3,2 tỷ đồng) và BSR (3 tỷ đồng). Nối tiếp, khối ngoại rút ròng dưới 1 tỷ đồng khỏi một số cổ phiếu như VGI, AMS, DDV, VEA...

Thảo Bùi